Sinh viên nên làm gì để tránh bẫy “tín dụng đen”?

Thứ Hai, 22/11/2021, 17:53

Làm thế nào để sinh viên tìm đến tổ chức tín dụng đảm bảo và an toàn, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”?

Những ngày qua, thông tin một nữ sinh của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh nợ app “tín dụng đen” số tiền lên tới 300 triệu đồng khiến dư luận xôn xao. Việc sinh viên vay tiền để đóng học phí hay để đầu tư vào chi phí học thêm là rất phổ biến. Vậy làm thế nào để sinh viên tìm đến tổ chức tín dụng đảm bảo và an toàn, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”?

Sau trường hợp nữ sinh mắc bẫy “tín dụng đen”, nợ số tiền lên tới 300 triệu đồng, một thực tế cho thấy, không ít sinh viên đang ở “ngưỡng” mới lớn, lần đầu xa gia đình, phải tự quyết định mọi việc từ học, cuộc sống và rèn luyện bản thân nên không tránh khỏi những “cạm bẫy” nơi thành phố.

Một độc giả từng là “con nợ” của các tổ chức “tín dụng đen” cho biết bản thân đã từng vay những khoản nợ 2 triệu đồng, nhận về chỉ 1,7 triệu và phải trả trong vòng 7 ngày, nếu trả chậm sẽ tính lãi 200-300 nghìn đồng/ngày. Nếu không trả đúng hạn, con nợ sẽ bị khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại, tung ảnh lên mạng xã hội...

Nhiều gia đình có con em lên thành phố trọ học cũng vô cùng lo lắng khi biết thông tin trên. Với số tiền hạn chế từ gia đình gửi lên, cộng với cuộc sống đắt đỏ nơi thành phố, nếu không biết chi tiêu, nhiều sinh viên sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu nợ, phải đi vay mượn. Câu chuyện của P. - sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội là ví dụ điển hình.

Rời quê lên Hà Nội học, năm đầu tiên P. được bố mẹ gửi gắm vào ở trong ký túc xá của nhà trường. Nhưng hết học kỳ 1, P. đã rủ 2 bạn nữ khác thuê một phòng trọ bên ngoài. Hai bạn gái kia gia đình khá giả nên hàng tháng ngoài tiền ăn học, còn được cha mẹ cho thêm tiền đi mua sắm ở các trung tâm thương mại. Thấy bạn bè có tiền, P. cũng muốn được như thế. Một lần thấy tờ rơi dán cho vay tiền ở khắp nơi, P. liều mình gọi điện thoại vay số tiền 5 triệu đồng. Lúc vay thì đơn giản, nhưng khi trả nợ chậm, P. bị bên cho vay tính lãi 200 nghìn/ngày. Khi các chủ nợ gây áp lực, P. không dám xin tiền bố mẹ mà đánh liều xin đi phục vụ quán karaoke vào các buổi tối để lấy tiền trả cho khoản vay lãi cao của mình.

Khi mạng internet phát triển, thông tin được quảng bá rộng rãi, mong rằng việc cảnh báo về hậu quả của vay app “tín dụng đen” sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn cho nhiều người, nhất là các sinh viên để các em tránh sa vào các app cho vay nặng lãi.

Theo số liệu của Cục Tín dụng Singapore (CBS), mức nợ cá nhân trung bình và số dư thấu chi của những người trong độ tuổi 20-30 tăng mạnh, với mức tăng 23% trong quý I/2021 so với quý VI/2020. CBS cũng cho biết, đối với những người dưới 30 tuổi, tỷ lệ nợ thế chấp tăng 2,6%. Một cuộc khảo sát năm 2018 của CNBC cũng cho thấy, gần 40% thanh niên 18-21 tuổi và 51% millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đã xem xét những khoản vay ngắn hạn.

Sinh viên nên làm gì để tránh bẫy “tín dụng đen”? -0

Tại Việt Nam, vay tiêu dùng cũng được xem là “cứu cánh” đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ khi có nhu cầu nhưng bản thân chưa đủ khả năng chi trả ngay lập tức, trong khi lại cách “chuẩn” vay ngân hàng khá xa.

Để giúp sinh viên tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”, bà Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (nơi nữ sinh vay nợ tín dụng đen 300 triệu đồng đang học), khuyến cáo sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Nhà trường cũng khuyến cáo, sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính có thể liên hệ để nhà trường để tìm cách hỗ trợ, giải quyết.

Hiện tại, nhiều công ty tài chính cũng áp dụng chính sách cho sinh viên vay tiền với những điều kiện “mở” như chỉ cần thẻ sinh viên, gói hỗ trợ lãi suất với biểu lãi suất linh hoạt, phương thức trả góp đa dạng, hạn mức vay cao và không mất phí vay tiền… Khi cần vay tiền, sinh viên nên nghiên cứu và tiếp cận khoản vay này sẽ tránh được các khoản vay lãi suất cao, sa vào bẫy “tín dụng đen”.

N.C
.
.
.