Nhiều hình thức biến tướng từ “tín dụng đen” cho vay qua app
Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng có xu hướng câu kết với đối tượng hình sự để hình thành các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động khép kín, lưu động trên phạm vi địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn “núp bóng doanh nghiệp” nhằm che giấu hoạt động phạm tội.
Tính từ cuối năm 2021 đến giữa tháng 11/2022, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP Hồ Chí Minh đã rà soát, phát hiện 69 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 17 cơ sở tổ chức kinh doanh tài chính có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay không đúng quy định pháp luật; 381 đối tượng (đã xác định 10 nhóm với 30 đối tượng) có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 101 vụ, 88 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã khởi tố xử lý hình sự 17 vụ, 38 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ, 20 đối tượng...
Thời gian vừa qua, ngoài việc phát tán, rải tờ rơi, các đối tượng còn sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người vay ở nhiều địa bàn, tại các khu công nghiệp, khu dân cư... Trong đó, hoạt động cho vay qua các ứng dụng (app) trực tuyến trên không gian mạng ngày càng có chiều hướng phức tạp. Các đối tượng người nước ngoài, đã đầu tư vốn, liên kết với các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên nhiều địa bàn.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm hoạt động cho vay tín chấp theo kiểu “tín dụng đen”núp bóng các công ty tài chính cho vay trên mạng qua các ứng dụng (app) trên mạng xã hội đang gây bức xúc trong nhân dân.
Một thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến có yếu tố do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với các đối tượng trong nước.
Khi cho vay, ngoài lãi suất khủng thì phương thức đòi nợ còn mang tính “khủng bố” người vay. Bởi khi cho vay, các đối tượng này yêu cầu người vay tín chấp chia sẻ danh bạ, nếu người vay không thực hiện nghĩa vụ của mình đối tượng sẽ dùng danh bạ đó “khủng bố” người thân, người quen, gây tâm lý hoang mang từ người vay đến những người không liên quan.
Công an TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp, tập trung đánh mạnh vào các băng, ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn. Đồng thời, trên cơ sở nguồn tin báo, tố giác, Công an TP Hồ Chí Minh tập hợp phân tích thông tin, thành lập cơ sở dữ liệu về các số điện thoại, CCCD, tài khoản ngân hàng của các đối tượng nghi vấn để phân loại, giúp ích cho việc truy xuất, phân tích đánh giá quy luật, khu vực đối tượng, loại hình tội phạm để khi cần có thể đấu tranh, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xử lý hành vi mua bán trao đổi thông tin dữ liệu cá nhân trái phép. Xử lý các hành vi mua bán, thuê sim không chính chủ và hành vi mua bán cho thuê tài khoản ngân hàng “rác”, tài khoản giả; tăng cường phát hiện, xử lý các cá nhân, tổ chức đăng thông tin quảng cáo, mời gọi, lôi kéo người vay tiền qua app; kiến nghị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các website, ứng dụng liên quan đến hoạt động cho vay tiền…