Nhiều chiêu trò của các nhóm “tín dụng đen” cho vay siêu nặng lãi qua ứng dụng online

Thứ Năm, 14/07/2022, 18:37

Nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin, không tìm hiểu kỹ đã tìm đến các ứng dụng online để vay tiền với lãi suất cắt cổ, có trường lãi suất lên tới 2100%/năm. “Tín dụng đen” lộng hành đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cục cho xã hội, gây tâm lý bất ổn với người dân.

Nhiều chiêu trò dụ dỗ người dân 

“Tín dụng đen” gần như ai cũng biết chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng vẫn có không ít người dân vẫn va vào loại hình cho vay nặng lãi này. Có những trường hợp trong đường dây xuyên quốc gia mới bị triệt phá, vay lãi suất vay từ 1.500% đến trên 2100%/năm. Nhiều trường hợp khác lãi “nhẹ nhàng” hơn thì cũng lên đến vài trăm %/năm. 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng người dân dù biết là lãi cao nhưng vẫn quyết định vay tiền. 

Trước tiên “app tín dụng đen” thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. 

“Điều kiện vay qua “app tín dụng đen” dễ dàng. Khách hàng sẽ được sẽ giải ngân chỉ với điều kiện giấy tờ tùy thân hợp lệ (CMND/CCCD, số điện thoại,…). Thời gian giải ngân nhanh chỉ trong 1 giờ, hạn mức cho vay lớn. Với thủ tục cho vay qua app hết sức đơn giản, người vay có thể vay từ 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký giấy tờ. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, làm căn cứ cho việc đòi nợ sau này. 

Để tiếp thị lôi kéo khách hàng, các app vay tiền online không được nhà nước cấp phép hoạt động thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục để mời chào vay tiền qua các ứng dụng. Các tài khoản Facebook “vay tiền nhanh toàn quốc”, “hỗ trợ tài chính”, “vay tiền qua app”, Luật sư Bình lý giải.

Nhiều chiêu trò của các nhóm “tín dụng đen” cho vay siêu nặng lãi qua ứng dụng online -0
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật.

Vị Luật sư đánh giá, thủ đoạn của các đối tượng là rất tinh vi và côn đồ. Trước tiên, các đối tượng lôi kéo người vay thông qua nội dung quảng cáo đăng tải trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục để mời chào vay tiền qua các ứng dụng. Khi có nhu cầu, người vay chỉ cần chấp nhận điều khoản về việc người vay tiền đồng ý cho ứng dụng truy cập vào danh bạ trên điện thoại di động hoặc cung cấp số điện thoại, họ tên người thân, người quen, lãnh đạo cơ quan đơn vị. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản người vay, với mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với thông báo khi làm hồ sơ vay, vì vậy, rất dễ dẫn tới việc người vay tiền mất khả năng trả nợ. 

Lách luật tinh vi của tín dụng đen  

Luật sư Diệp Năng Bình thừa nhận, hiện nay pháp luật vẫn còn không ít kẽ hở dẫn đến các nhóm cho vay siêu nặng lãi qua ứng dụng đen online không được cấp phép hoạt động vẫn tồn tại và gây nhiều bức xúc trong xã hội. 

Trước tiên, cho vay “app tín dụng đen” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng. Bởi hình thức vay này không được thực hiện từ các tổ chức tín dụng mà là giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân tự phát thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng công nghệ. Thường được giới thiệu là công ty tư vấn tài chính nhưng lại hợp tác với các tổ chức khác để thu phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… nhằm né quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Tại hồ sơ của khách hàng vay qua “app tín dụng đen”, có những Điều khoản như thu phí tư vấn hỗ trợ vay vốn….. đồng/ngày, thu phí quản lý khoản vay ….. đồng/ngày và lãi suất thể hiện 19,9%/năm (dưới 20%). Có thể thực hiện mà không có chữ ký của người vay, thay vào đó là một mã số xác nhận (mã OTP) do “app tín dụng đen” tạo ra. 

“Với các chiêu thức này, nếu có tranh chấp giữa bên cho vay và bên vay, cơ quan chức năng rất khó phân xử vì thiếu cơ sở pháp lý, vì hợp đồng vay tiền chỉ thể hiện thu phí quản lý khoản vay, lãi suất dưới 20%/năm, đặc biệt là hợp đồng không có chữ ký của người vay. Từ đó, cơ quan công an rất khó kết luận bên cho vay về tội cho vay nặng lãi”, Luật sư Bình chia sẻ. 

Để ngăn chặn tình trạng này, theo vị Luật sư, các cơ quan ban ngành như Bộ công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông,… cần tăng cường phối hợp về công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến. Tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, “vay qua app” trên các thiết bị điện tử. 

“Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng. TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Luật sư Bình kiến nghị.

Đình Hoàn
.
.
.