Nhiều công ty cho vay trực tuyến không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính

Thứ Bảy, 20/11/2021, 22:25

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), có nhiều công ty đã lợi dụng công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen” với các mô hình như: cầm đồ online; hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ, tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ 3 là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng.

Nhiều công ty tạo app vay tiền để “bẫy” con nợ

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, so với kết quả năm thứ nhất thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, số cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” đã giảm mạnh. Tuy nhiên, số cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao và tham gia “hụi, họ” tăng, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, chuyển hướng sang hoạt động cá nhân, đơn lẻ, hoạt động dưới các dây hụi, họ và trên không gian mạng.

vinh.jpg -0
Tổ công tác Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra các hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính

Hoạt động cho vay qua app, ưebsite đang có chiều hướng phát triển. Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, đã xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” (có khoảng hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến).

Theo đó, có nhiều công ty đã lợi dụng công nghệ cao để hoạt động biến tướng với các mô hình như: cầm đồ online; hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ, tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ 3 là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự, tại Việt Nam, hiện có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để vay trực tuyến (sieudong, Eloan, Moneybank…), hầu hết có vốn nước ngoài đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ.

Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Số doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều ứng dụng (app) cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trực tuyến.

Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen”

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tội phạm, trong đó nhấn mạnh nội dung về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay qua các ứng dụng trên Internet; kêu gọi đầu tư trái phép qua mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương điều tra, xác minh các đối tượng hoạt động cho vay trực tuyến qua ứng dụng điện thoại di động tại các địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước.

Phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác minh thông tin, tài liệu đối với các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến thông qua ứng dụng trên Internet; lập danh sách, theo dõi 62 website, blog, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh…

Bên cạnh đó, một số ban, ngành cũng đã có sự phối hợp, vào cuộc cùng lực lượng Công an trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các sở liên quan  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với hoạt động quảng cáo, nhất là hình thức rao vặt liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý, ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao có nội dung vi phạm. Các cơ quan thanh tra của Bộ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo của các địa phương; rà soát nội dung thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đoàn người đảm bảo đúng quy định…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập các đoàn công tác liên ngành gồm thành viên các sở, ngành tại địa phương, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”.

Các lỗi vi phạm bị phát hiện, xử lý chủ yếu là: Không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; không có giấy phép kinh doanh; hoạt động ngành nghề kinh doanh nhưng không có hoặc không xuất trình Giấy chứng nhận đủ điều kiện khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; lưu hành giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ không còn giá trị sử dụng; phát, rải tờ rơi, treo, dán quảng cáo có nội dung liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Kết quả, đã thành lập 1.268 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 8.204 lượt đối với 11.375 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, qua đó phát hiện 1.084 cơ sở kinh doanh vi phạm, tiến hành xử phạt 512 cá nhân, thu hồi 315 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT có liên quan.

Điển hình như, thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện 48/546 cơ sở kinh doanh vi phạm; tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 110/1609 cơ sở vi phạm; tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện 358/738 cơ sở vi phạm; TP Hải Phòng kiểm tra, phát hiện 14/829 cơ sở vi phạm; tỉnh Tây Ninh kiểm tra, phát hiện 16/488 cơ sở vi phạm; tỉnh Trà Vinh kiểm tra, phát hiện 16/1353 cơ sở vi phạm.

Nhật Châu
.
.
.