Bẫy “tín dụng đen” 2.100%/năm: Giải pháp nào giúp người dân tiếp cận với tín dụng an toàn?

Thứ Tư, 13/07/2022, 14:55

Đường dây cho vay “tín dụng đen” với lãi suất lên đến hàng nghìn %/năm đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) phát hiện. Vậy đâu là giải pháp giúp người dân tiếp cận được tối đa với tín dụng an toàn?

Vừa qua, Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội đã phát hiện đường dây cho vay tín dụng xuyên quốc gia núp bóng cho vay online, với lãi suất 1.500% đến trên 2.100%/năm.

Theo đánh giá chung, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tình trạng trên là do các app (ứng dụng) cho vay online ngày càng xuất hiện nhiều. Các app vay này thủ tục vay vô cùng đơn giản, không cần chứng minh thu nhập, thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi.

Bẫy “tín dụng đen” 2.100%/năm: Giải pháp nào giúp người dân tiếp cận với tín dụng an toàn? -0
Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích sâu về bẫy “tín dụng đen” hiện nay

Một vấn đề khác được đặt ra, nhiều nạn nhân còn chưa phân biệt được đâu là app của các đơn vị được cấp phép, đâu là app của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Lý giải về việc tại sao “tín dụng đen” với mức lãi suất cao nhưng vẫn có nhiều người bị thu hút, Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích: "Các giao kết dân sự sử dụng phương tiện điện tử (vay online) không có đầy đủ các quy tắc giống như bảo hiểm hay các quy tắc khác, mà có thể đây là luật chơi do bên cho vay họ tự thực hiện và nó được thuật toán xây dựng trong phần mềm.

Và rõ ràng điều này đẩy người vay vào thế người ta không biết được các điều kiện cho vay khi giao kết hợp đồng này, cho nên khi thực hiện việc vay lãi suất thấp, thế nhưng một thời gian sau lại tự động nâng lên. Bẫy “tín dụng đen” chính là vậy, nó lừa người khác tin là thật và thực hiện các giao dịch mình không kiểm soát được, cuối cùng bị lệ thuộc".

Từng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Kalidas Ghose - CEO Công ty VPBank SMBC (FE CREDIT) cho rằng, các tổ chức tín dụng phải nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người dân, hỗ trợ người vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống, điều này giúp giảm thiểu rủi ro khi vay tín dụng online.

"Các công ty tài chính, ngân hàng nhà nước phải đồng hành với người vay để đảm bảo họ có tài chính cho các khoản trả hàng tháng. Từ đó, tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh” - Ông Kalidas Ghose đưa ra quan điểm.

Bẫy “tín dụng đen” 2.100%/năm: Giải pháp nào giúp người dân tiếp cận với tín dụng an toàn? -0
Ông Kalidas Ghose - CEO Công ty VPBank SMBC (FE CREDIT)

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, để giảm các hệ lụy từ vay “tín dụng đen” với lãi suất cao, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho vay tiêu dùng, trước hết là ngân hàng thương mại và các công ty tài chính, sau đó là các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân với các cơ chế thông thoáng, áp dụng các công nghệ dễ dàng hơn.

Ông Tú nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế rõ ràng cho người dân được vay tiêu dùng, vay nhỏ lẻ với những nhu cầu vay ngắn hạn. Theo thống kê, cho vay tiêu dùng đang chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên, nhu cầu cho vay nhỏ lẻ của người yếu thế vẫn cần nhiều hơn nữa".

"Ngoài ra, chúng tôi sẽ hướng người dân sử dụng nguồn vốn thuận lợi hơn bằng các hình thức cho vay kết nối trực tiếp giữa người vay, người bán hàng và người mua, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người dân được tiếp cận các gói vay ưu đãi”, ông Tú nói.

Nhật Minh
.
.
.