Mất học phí, nữ sinh nợ 300 triệu đồng vì trót vay app “tín dụng đen”

Thứ Ba, 16/11/2021, 17:49

Đánh mất tiền học phí, nữ sinh T. không dám nói cho gia đình mà đi vay tiền các ứng dụng trực tuyến, khiến khoản nợ cộng dồn lên tới 300 triệu đồng.

Ngày 16/11, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp trên là nữ sinh năm thứ hai - ngành Ngôn ngữ Anh của trường.

Theo tìm hiểu, vào tháng 3 vừa qua, gia đình có gửi cho nữ sinh T. 10 triệu đồng để nộp học phí nhưng không may em làm mất số tiền này. Vì lo sợ nên T. không dám xin tiếp tiền gia đình mà tự xoay xở bằng cách vay tiền “tín dụng đen” qua app cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Nữ sinh dự định sẽ chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm để trả nợ. Đáo hạn, nữ sinh không có đủ tiền trả nợ và bị nhân viên của app “đen” gọi điện thoại khủng bố tinh thần.

Mất học phí, nữ sinh nợ 300 triệu đồng vì trót vay app “tín dụng đen” -0
Bài viết cảnh báo của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh trên mạng xã hội.

Trong lúc không biết làm thế nào, thì nhân viên của app giới thiệu T. đăng ký vay app khác để trả nợ cho app của họ. Sa vào vòng luẩn quẩn, nữ sinh đã vay của hàng chục app khác nhau và cuối cùng số tiền nợ lên đến khoảng 300 triệu đồng. Bị nhân viên các app đồng loạt gọi điện đe dọa, khủng bố, T. suy sụp tinh thần. Đến khi không thể chịu đựng được, nữ sinh đã phải thú nhận với gia đình.

Thạc sĩ Thoa cho biết thêm, đây không phải lần đầu sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh vướng vào các khoản nợ tín dụng đen. Các ứng dụng cho vay lãi suất cao thường đánh vào sự non nớt của sinh viên năm nhất hoặc năm hai.

Sau khi vụ việc của em T. xảy ra, hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàn đã ký thông báo, yêu cầu sinh viên toàn trường tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay trực tuyến với lãi suất vượt quá mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trường hợp sinh viên đã vay vốn tín dụng lãi suất cao, cần liên hệ Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục để được hỗ trợ giải quyết.

Nhà trường liên tục cảnh báo sinh viên không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất cao. Đồng thời, yêu cầu sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin sinh viên, thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc thông tin sao kê trên các ứng dụng hoặc diễn đàn không rõ ràng. Không lợi dụng, lôi kéo người khác tham gia hoặc cung cấp thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép. Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến cáo trong toàn thể sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính thì liên hệ Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục để được hỗ trợ.

Qua vụ việc này, cơ quan chức năng cảnh báo, bên cạnh các ứng dụng vay tiền trực tuyến của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thực tế cho thấy, khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Minh Châu
.
.
.