Mạo danh công ty tài chính cho vay nặng lãi

Thứ Sáu, 21/10/2022, 07:36

Với vai trò là kênh dẫn vốn dành cho các đối tượng là người yếu thế khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, tài chính tiêu dùng đã góp phần hạn chế "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, thưc hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của tài chính tiêu dùng đang bị giảm sút do tình trạng một số tổ chức mập mờ đánh lận con đen, "đội lốt" công ty tài chính.

Tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức vào ngày 18/10 vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được NHNN cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo,… góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng "tín dụng đen", cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.

1.jpg -0
Tín dụng đen trá hình công ty tài chính cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo NHNN cũng nhìn nhận, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, theo các công ty tài chính, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức, công ty tự đặt tên mập mờ là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay nhưng không do NHNN cấp phép đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Chia sẻ về vấn đề này, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự - cho hay, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Đồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

"Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước", Trung tá Phương cho biết.

Từ góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC cho biết, thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của công nói riêng và các công ty tài chính nói chung lại bị hiểu nhầm là tín dụng đen. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty.

Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính. Không những vậy, một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ rê nhau "bùng nợ", khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp càng nhiều khó khăn.

Ông Phúc đề nghị cần xem xét nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì, trốn nợ. Xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn…

Góp thêm ý kiến, các chuyên gia cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tăng cường giải pháp giúp phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Hà An
.
.
.