Làm gì để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” qua app?

Thứ Ba, 07/12/2021, 21:31

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp, triệt phá hàng trăm vụ, bắt giữ nhiều đối tượng, nhưng nạn “tín dụng đen” hoạt động qua app online vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Bộ Công an, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, chi phí cao, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập… khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh của người dân tăng cao... Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền.

image001.jpg -0
Hoạt động cho vay nặng lãi vẫn diễn biến phức tạp.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”  chuyển hướng sang lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để len lỏi, tiếp cận những người có nhu cầu vay tiền. Với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… không ít người đã “sập bẫy” tín dụng đen. Các đối tượng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là thay cho tiền lãi bất chính), lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống, ép người đi vay dùng tiền vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép…

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng .

Chia sẻ về vấn đề lợi dụng công nghệ để tiếp cận người vay và cho vay nặng lãi qua app, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, các nhóm tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ, lập ra những app để tiếp cận người vay. Với hình thức này, người vay và người cho vay không gặp nhau, giao dịch chủ yếu dựa vào thông tin trên app (ứng dụng).

“Có hiện tượng một số công ty làm thủ tục cho vay qua app nhưng khi giải ngân lại là một công ty khác, chẳng hạn như các tiệm cầm đồ. Đồng thời, khi cam kết vay qua app, người vay bắt buộc phải cho phép truy cập kho dữ liệu điện thoại, hình ảnh, video trên điện thoại. Khi người vay chậm trả, các đối tượng sẽ có cơ hội gọi điện đến những người trong danh bạ để gây sức ép buộc người vay phải trả nợ với lãi suất cao. Vì vậy người dân cần phải hiểu đúng bản chất, để tránh mắc bẫy ‘tín dụng đen’”, Đại tá Bách cảnh báo.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách cũng chia sẻ, dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp, triệt phá hàng trăm vụ, bắt giữ nhiều đối tượng, nhưng nạn “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp.

Để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, theo Đại tá Bách cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành; trong đó, cơ quan pháp luật tiến hành công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan quan đến “tín dụng đen”, cơ quan báo chí tuyên truyền cho người dân hiểu biết cách thức hoạt động tinh vi của các app; đến các đơn vị tài chính, các công ty tài chính có nhiều “cửa mở” khi cho người dân tiếp cận nguồn vốn để không vướng bẫy “tín dụng đen”.

N.C.
.
.
.