Khi con nợ bày cách để người khác quỵt tiền công ty tài chính

Thứ Tư, 06/07/2022, 21:08

Có những cá nhân sau khi “quỵt nợ, bùng nợ” còn bày cách đề nhiều người khác cùng “bùng nợ” của công ty tài chính, tổ chức tín dụng giống như mình. Thực trạng này làm nảy sinh tư duy “không làm mà vẫn có ăn” trong một bộ phận người dân, đặc biệt là ở một số bạn trẻ.

Hành vi rất đáng lên án

Tình trạng người vay tiền lẩn tránh nghĩa vụ trả nợ các công ty tài chính, tín dụng khi đến thời hạn không còn là chuyện hiếm gặp. Sự vô trách nhiệm của con nợ đã đẩy rủi ro, khó khăn về phía bên cho vay. Cá biệt, theo phản ánh, có những trường hợp, con nợ còn sẵn sàng tư vấn, bày cách để nhiều người khác thực hiện chót lọt việc quỵt tiền của công ty tài chính, tín dụng.

Theo Luật sư Ma Quang Sáng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối với những trường hợp thực sự gặp khó khăn, không còn khả năng trả nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì các tổ chức tín dụng cần có những chính sách giãn nợ, khoanh nợ, hoặc giảm lãi phạt cho họ, để tạo điều kiện cho họ vượt qua được thời kỳ khó khăn.

Khi con nợ bày cách để người khác quỵt tiền công ty tài chính -0
Luật sư Ma Quang Sáng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Tuy nhiên, có nhiều người lợi dụng lý do dịch bệnh để né tránh, lươn lẹo nhằm cố tình chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính. Cá biệt có những cá nhân, sau khi “quỵt nợ, bùng nợ” còn bày cách đề nhiều người khác cùng “bùng nợ” của công ty tài chính, tổ chức tín dụng giống như mình.

Luật sư Sáng cho rằng đây là một hành vi rất đáng lên án vì nó để lại nhiều hệ lụy. Thứ nhất, thực trạng này làm nảy sinh tư duy “không làm mà vẫn có ăn” trong một bộ phận người dân, đặc biệt là ở một số bạn trẻ. Tư duy này dẫn đến hành vi không cần có nghề nghiệp, không lao động để kiếm thu nhập mà chỉ trực chờ đi vay, rồi bùng nợ để có tiền tiêu xài phục vụ cuộc sống.

“Đây là một mối nguy, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lao động của xã hội, tiếp đến là ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế về lâu về dài của bản thân những người có tư duy này”, Luật sư Sáng lo ngại.

Thứ hai, hành vi trốn nợ, bùng nợ dẫn đến việc một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi thu hồi nợ…

“Về dài hạn thì việc trốn nợ, bùng nợ sẽ khiến người vay trở thành đối tượng bị “nợ xấu”, hệ quả là những người này rất khó hoặc không được tiếp cận với những khoản vay sau này khi thực sự có nhu cầu, như vậy thì có thể làm mất đi cơ hội của chính họ. Có vay thì có trả, đó là một quy luật tồn tại hàng nghìn năm trong xã hội loài người. Những người cố tình chiếm đoạt tiền, tài sản của cá nhân tổ chức thông qua hình thức vay nợ thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, Luật sư Sáng nhấn mạnh.

Có thể đối mặt hình phạt chung thân

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Sáng nhận định, những người có hành vi “xúi giục” kích động, dụ dỗ người khác bùng nợ hoặc “giúp sức” tạo điều kiện về vật chất, về tinh thần cho người khác thực hiện các hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý với vai trò “Đồng phạm” với người thực hiện hành vi theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự. Cá biệt, có những người giữ vai trò “Tổ chức” lập ra cả một nhóm, trang, hội kín trên mạng xã hội để chỉ đạo việc bùng nợ thì những người này có thể bị xử lý với vai trò là “chủ mưu” trong vụ án. Mức hình phạt cho những người Đồng phạm sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả do người thực hiện hành vi phạm tội gây ra.

“Trường hợp người vay tiền có khả năng, điều kiện để trả nợ nhưng bị “xúi giục” hoặc được “giúp sức” để cố tình không trả hoặc bỏ trốn để nhằm mục đích chiếm đoạt khoản tiền đã vay thì có thể bị xử lý theo Điều 175 về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt cao nhất phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Trường hợp do bị “chỉ đạo”, “xúi giục” mà người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân”, Luật sư Sáng phân tích.

Theo Luật sư Sáng, hành vi “bùng tiền” của con nợ sẽ gây thiệt hại đến doanh nghiệp tín dụng, vô hình chung cũng sẽ làm ảnh hưởng một phần đến nền kinh tế. Mặt khác, khi tư duy bùng nợ trở nên phố biến thì sẽ không còn nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này và việc người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Để hạn chế tình trạng bùng nợ nêu trên, vị Luật sư đề nghị, người dân trước khi đi vay tiền cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các cá nhân, tổ chức tín dụng có uy tín trước khi vay tiền và xác định rõ mục đích sử dụng vốn vay, cũng như phương án trả nợ. Đồng thời cần rà soát, siết lại trình tự thủ tục cho vay tín chấp theo hướng chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lợi dụng của kẻ gian.

“Các tổ chức tín dụng, Công ty tài chính cần có chính sách tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ cho những trường hợp thực sự khó khăn, chưa có khả năng thanh toán nợ (nếu như họ chứng minh được). Ngoài ra, cần có các hình thức xử lý nhanh gọn hơn, chế tài mạnh hơn với người truyền bá nội dung hướng dẫn bùng nợ. Quản lý chặt các trang page, hội nhóm trên mạng xã hội… Những chế tài quyết liệt sẽ giảm thiểu, hạn chế được hành vi này”, Luật sư Sáng nêu quan điểm.

Đình Hoàn
.
.
.