Dự báo “tín dụng đen” sẽ phức tạp vào dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu về tiền vốn, tiền chi tiêu của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ triệt để lợi dụng, tung các chiêu dụ dỗ người dân “sập bẫy” khiến tình hình an ninh trật tự (ANTT) diễn biến phức tạp hơn...
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10 ngày 17/12, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an cũng cho biết, về loại tội phạm xâm phạm sở hữu, do nhu cầu kinh tế, trả các khoản vay, trang trải cuộc sống cá nhân, nhất là ảnh hưởng COVID-19 người thất nghiệp tăng cao dẫn đến nạn trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”… sẽ xảy ra nhiều hơn.
Đề nghị người dân không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP…, không chuyển khoản cho người lạ, không vay tiền qua mạng… Các sở, ngành quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cũng cho biết, Công an TP sẽ tăng cường nắm tình hình, chủ động đề ra các giải pháp để quản lý tốt các loại đối tượng, kiên quyết không để vì tình hình dịch bệnh mà phát sinh tội phạm. Hiện TP đang mở đợt tấn công tội phạm để giữ vững an ninh, đảm bảo an toàn cho các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội của thành phố, nhất là dịp Noel, Tết Nguyên đán…
Về vấn đề vay tiền qua các app trên mạng, Đại tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, lợi dụng tình hình khó khăn do dịch COVID 19 và dịp cuối năm, thường nhu cầu về vốn liếng nhiều và cả tiền để chi tiêu cuối năm nên các đối tượng sẽ đẩy mạnh dùng các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, rao tìm người cho vay với các thủ tục đơn giản, lãi suất không cao nhưng ẩn đằng sau là hàng loạt phí dịch vụ “cắt cổ”…
Đây thực chất là một cách lách luật của các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi thực tế khi đã vay tiền thì người vay sẽ phải trả tiền lãi rất cao, khi không trả được hoặc chậm trả thì các đối tượng sẽ có hàng loạt hành động đe doạ, siết nợ, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi phạm tội khác liên quan đến việc vay tiền này. Do đó, Đại tá Nguyễn Thế Lâm khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức uy tín.
Theo dự báo của Cục Cảnh sát hình sự, sau khi dịch bệnh kiểm soát, các địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các đối tượng thay đổi nơi cư trú, di chuyển giữa các địa bàn, nhất là phía Bắc quay trở lại phía Nam để hoạt động “tín dụng đen”.
Do khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không đáp ứng yêu cầu vay vốn của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, trong đó có “tín dụng đen” để vay tiền, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên.
Nhiều người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay lãi nặng do việc đầu tư vào kinh doanh gặp khó khăn. Các đối tượng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính núp bóng dưới các hình thức, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” hoặt động phức tạp, ngoài việc phát tán, rải tờ rơi có thể chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay ở nhiều địa bàn, tại các khu công nghiệp, khu dân cư.
Các đối tượng người nước ngoài nhất là các đối tượng người Trung Quốc, Indonesia, Nga, đầu tư vốn, liên kiết với doanh nghiệp trong nước hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng. Tại các địa bàn có nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ, các đối tượng hoạt động rải họ, thu họ phức tạp, có nguy cơ dẫn đến cho vay lãi nặng hoặc các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền góp họ, hụi bỏ trốn. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý ham lợi của người có tiền nhàn rỗi, có nhu cầu đầu tư kinh doanh để kêu gọi huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tiền ảo trên không gian mạng hứa hẹn trả lãi suất cao bất thường gây phức tạp.
Lợi dụng các chương trình an sinh xã hội, các giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, các đối tượng có thể móc nối với các cán bộ có liên quan để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức vay tiền. Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp đòi nợ, móc nối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm hoạt động biến tướng dưới các hình thức công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, tư vấn luật, tư vấn tài chính… hoặc hoạt động biến tướng dưới hình thức cho thuê lao động là các nhân viên đòi nợ, sử dụng mạng xã hội, phương tiện thông tin liên lạc để đòi nợ phản cảm gây bức xúc. Phát sinh các hành vi phạm tội từ việc đòi nợ và việc bị đòi nợ (nguyên nhân từ hoạt động “tín dụng đen” và giao dịch vay mượn thông thường) như: giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… với tính chất nghiêm trọng.
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an và các ban, ngành chức năng, thì mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, tự mình điều chỉnh kế hoạch tài chính thích hợp, nếu có nhu cầu vay tiền thì tìm đến ngân hàng hay các tổ chức tài chính được phép hoạt động của Nhà nước, tránh vướng vào bẫy của “tín dụng đen”.