Cuối năm, ngăn chặn và xử lý “tín dụng đen” như thế nào?

Thứ Ba, 14/12/2021, 14:46

Thực tiễn quá trình đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” cho thấy, công tác phòng ngừa, xử lý càng làm sớm sẽ càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt giúp xã hội, người dân giảm thiểu nguy cơ bất ổn.

Tội phạm “tín dụng đen” có giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ lớn

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự (ANTT) với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen” với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Trong hai năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường đấu tranh, phòng ngừa tội phạm liên quan tới hoạt động “tín dụng đen”, Công an các địa phương đã thu hồi 175 giấy chứng nhận, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính hơn 7,7 tỉ đồng. Qua rà soát, Công an các địa phương cũng phát hiện một số cơ sở cầm đồ sử dụng công nghệ, mạng xã hội để hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ.

tindungden.jpg -0
Ảnh minh họa: Internet

Theo Bộ Công an, tín hiệu tích cực là số cơ sở hoạt động “tín dụng đen” hai năm qua giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, số cơ sở cầm đồ có hoạt động “tín dụng đen” trong 10 tháng năm nay giảm 3.732 cơ sở. Tương tự, số cơ sở kinh doanh tài chính có hoạt động tín dụng đen giảm 809 cơ sở, số cơ sở huy động vốn lãi suất cao giảm 43 cơ sở, cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê giảm 55 cơ sở, số băng nhóm tội phạm liên quan tới “tín dụng đen” giảm 211 băng nhóm.

Luật sư hiến kế

Tiếp tục đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng NHQuang & Cộng sự - cho rằng, bên cạnh các biện pháp mạnh từ phía ngành công an, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức người dân và phổ biến quy định pháp luật. Bên cạnh đó, khi có các khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về các vụ việc liên quan tới tín dụng đen thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn trương để xử lý. “Cần một giải pháp đồng bộ hơn là chỉ tập trung siết giấy phép kinh doanh cầm đồ”, luật sư Nguyễn Tiến Lập khuyến nghị.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, nếu Bộ Công an siết kinh doanh cầm đồ trong thực tế thì hoạt động này sẽ “chui lên mạng”. Kinh doanh cầm đồ trước đây đã phức tạp và hiện nay còn phức tạp hơn vì “tín dụng đen” lừa đảo qua app nhan nhản. Cái gốc là ở hệ thống tài chính còn nhiều phức tạp khiến người dân, doanh nghiệp phải tìm đến “tín dụng đen”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, dù tất cả các hành vi liên quan đến tín dụng đen đều vi phạm pháp luật về lãi suất áp dụng, cách thức thu hồi nợ, sử dụng hành vi bất hợp pháp để thu nợ, nhưng ngay cả khi đưa ra mức xử phạt cao hơn với hoạt động tín dụng đen mà xã hội vẫn có nhu cầu thì người cho vay “tín dụng đen” có thể chấp nhận xử phạt để hoạt động, miễn sao họ có lãi.

Vì thế, theo ông Nguyễn Quang Đồng, giải pháp quan trọng hơn hiện nay là cần phải thúc đẩy, hợp thức hóa hoạt động của các doanh nghiệp fintech (hoạt động tài chính vi mô), kể cả doanh nghiệp cho vay ngang hàng để khu vực phi chính thức là “tín dụng đen” sẽ tự động thu nhỏ lại. Muốn vậy, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động tín dụng vi mô thông qua các công ty fintech. Thị trường fintech, trong đó có cho vay quy mô nhỏ, đang phát triển rất mạnh nhưng chúng ta nhiều khi vẫn không thừa nhận các công ty fintech hoạt động hợp pháp.

Hiện nay 100% công ty đòi nợ thuê đã chuyển thành công ty mua bán nợ một cách hợp pháp. Nên theo luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật Basico, “tín dụng đen” cần được giải quyết bằng quy luật kinh tế, bằng cung cầu, cần đáp ứng được nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, phải thúc đẩy phát triển hoạt động tài chính vi mô thông qua việc tăng hoạt động cho vay ngang hàng, lập thêm các công ty tài chính vi mô ngoài hệ thống ngân hàng. Nếu cho lập thêm từ 700 - 1.000 công ty tài chính vi mô thì các cơ quan chức năng sẽ vẫn quản được hoạt động cho vay, trong khi người dân có nhu cầu có chỗ để vay.

Minh Anh
.
.
.