Đòi tiền không được, tưới xăng đốt con nợ

Chủ Nhật, 28/11/2021, 10:35

Ngày 25/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với Đinh Khắc Quý (SN 1992), trú tại TP. Vinh, Nghệ An.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Quý và anh Phạm Ngọc S (27 tuổi, ngụ TP.Vinh) là đồng nghiệp làm chung trong một doanh nghiệp ở TP.Vinh. Tháng 3/2020, Quý cho anh S vay 2,5 triệu đồng. Sau nhiều lần bị Quý đòi nợ, anh S hứa sẽ trả tiền vào chiều 6/7/2020.

Chiều 6/7/2020, Quý chở em trai đến gần công ty anh S làm việc để lấy tiền. Hai bên gặp nhau và xảy ra xô xát, cãi vã, được những người xung quanh can ngăn. Sau đó, Quý chạy lại xe máy, cầm chai xăng (mua về cho mẹ) hất thẳng vào người anh S rồi châm lửa đốt. Anh S bị cháy, nằm lăn lộn giữa đường và bị bỏng nặng, tổn hại 68% sức khỏe. Sau khi gây án, Quý đến Công an đầu thú.

Đinh Khắc Quý bị truy tố xét xử về tội “Giết người”.

image001.jpg -0
Bị cáo Đinh Khắc Quý tại phiên tòa (Ảnh Báo Nghệ An)

Tại tòa, Quý thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn hối hận, xin được giảm nhẹ hình phạt vì gia đình khó khăn. Trong khi đó, người thân của anh S cho biết, anh S mất rất nhiều thời gian để điều trị vết thương. Mặc dù đã được điều trị tích cực, song với di chứng nặng nề, anh S đã không còn khả năng lao động, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân giúp đỡ.

Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Quý 16 năm tù, buộc phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, tổn hại sức khỏe, tinh thần theo yêu cầu của bị hại là hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, Quý kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin giảm số tiền bồi thường.

Sau quá trình xét xử, Toà phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bị cáo. Y án 16 năm tù đối với bị cáo Đinh Khắc Quý. Tòa cũng y án số tiền mà Quý phải bồi thường cho bị hại.

Vụ án một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc vay nợ dẫn đến những phức tạp về an ninh trật tự. Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội nhận định, việc vay mượn tài sản của người dân là bình thường, vì ai cũng có lúc khó khăn hoặc cần có khoản tài chính để chi tiêu, giải quyết công việc. Tuy nhiên, đây lại là nguồn cơn dẫn đến những sự việc phức tạp về an ninh trật tự. Bởi sẽ có những bức xúc tâm lý nhất thời của các bên phát sinh trong lúc đòi nợ. Khi người đi vay liên tục phá vỡ các cam kết, có biểu hiện chây ì không muốn trả các khoản nợ đến hạn, sẽ khiến người cho vay lo lắng, tức giận vì phải bỏ công mất sức đi đòi…

Trong một bài viết trên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Chí Dân, Công an tỉnh Yên Bái cũng đưa ra giải pháp để hạn chế những vụ việc phức tạp nảy sinh liên quan đến việc vay nợ. Về phía người vay, Thượng tá Nguyễn Chí Dân cho biết, cần cân đối thu chi, nên sớm có kế hoạch cho việc trả nợ thật chi tiết, như liệt kê các khoản nợ và những việc cần làm để giải quyết nợ nần. Cần nghiêm khắc với bản thân, tự ép mình “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm tiền trả nợ, tự giác thắt chặt chi tiêu cho đến khi hoàn tất việc trả nợ, ngừng ngay lập tức việc mua sắm, chi phí vào các “tiêu sản”- (những đồ vật không làm gia tăng tài sản mà chỉ mất đi giá trị theo thời giản sử dụng), kiên quyết loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết, các món hàng xa xỉ... Hằng tháng, nên chủ động tích cóp tiền cho việc trả nợ, để thành khoản riêng không chi dùng đến số tiền này dù với bất cứ lý do gì.

Bên cạnh đó, cần tránh xa các trò chơi đỏ đen, cầu may như: mua vé số, chơi số đề, cá độ bóng đá... với hy vọng có nguồn trả nợ. Cũng không nên vay nặng lãi để trả nợ, vì vay lãi cao để trả một khoản nợ trước đó, sẽ nhanh chóng đẩy mình vào tình trạng kiệt quệ và đối mặt với nạn đòi nợ thuê trái pháp luật.

N. Châu
.
.
.