Đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen" tại Hòa Bình

Thứ Năm, 24/08/2023, 07:32

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Hòa Bình đã liên tiếp đấu tranh nhiều vụ án liên quan đến "tín dụng đen", xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Qua đó, góp phần đảm bảo ANTT, không để tội phạm này lộng hành, đem lại bình yên cho nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 51-CT/TU ngày 4/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo hệ lực lượng, các Đội nghiệp vụ tăng cường công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

6666.jpg -0
Nhóm đối tượng Đào Văn Lương và đồng bọn thời điểm vừa bị bắt giữ.

Các đơn vị nghiệp vụ xác định tính chất phức tạp và những hệ lụy liên quan đến "tín dụng đen" thường đi liền với các loại tội phạm về hình sự, ma túy, lô-đề, cờ bạc, các hành vi làm nhục, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác...

Khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, gây sức ép để đòi nợ, xiết nợ như vu khống, bôi nhọ danh dự bản thân và gia đình, tạt chất bẩn vào nhà hoặc thậm chí là bị bắt giữ trái pháp luật, bị đánh đập, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, gây bức xúc, phức tạp về ANTT.

Đơn cử là vụ cho 200 người vay nặng lãi với số tiền 35 tỷ đồng trên địa bàn TP Hòa Bình vừa qua. Ngày 23/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, tạm giam bị can:  Đào Văn Lương (biệt danh Lương "lô", SN 1985) với 2 tội danh "Cưỡng đoạt tài sản" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Còn các đối tượng Nhữ Mai Hải (còn gọi là Hải "hếch", SN 2004); Hoàng Văn Bắc (còn gọi là Bắc "lơ", SN 1991) và Quách Đình Bảo (còn gọi là Bảo "nướng", SN 2004), cùng trú tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bị khởi tố về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Khi người vay không có khả năng trả hoặc chậm trả gốc, lãi, các đối tượng này sẽ gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm hoặc trực tiếp đến gia đình người vay, ném chất bẩn vào nhà. Thậm chí có trường hợp người vay còn bị các đối tượng đánh đập, bị dìm xuống nước... và bị ép cam kết trả đúng hẹn. Cơ quan Công an xác định, Lương và đồng bọn đã cho 200 người vay với số tiền trên 35 tỷ đồng, thu lời bất chính 15 tỷ đồng.

Các đối tượng thường cho các nạn nhân vay với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày, vượt từ 9 lần đến 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng. Với một số người vay không có giấy tờ cụ thể, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, nhiều tài khoản trên các ứng dụng mạng xã hội để giao dịch, trao đổi với người vay; người vay sẽ thanh toán tiền gốc, lãi bằng cách chuyển khoản hoặc trả trực tiếp.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng phần mềm quản lý tài chính trên điện thoại di động thông minh để quản lý nguồn vay nhằm đối phó với cơ quan chức năng, gây nhiều khó khăn cho công tác tiếp cận, đấu tranh, triệt phá.

Công an tỉnh Hòa Bình thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", các hậu quả, hệ lụy do "tín dụng đen" gây ra.

Đặc biệt cảnh báo những chiêu trò đánh vào tâm lý người dân như thủ tục đơn giản, nhanh gọn là cầm đồ, giấy phép lái xe, giấy tờ xe hoặc thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân mà không cần thế chấp tài sản, người có nhu cầu nhanh chóng nhận được khoản tiền vay.

Tuy nhiên, người vay không phải trả mức lãi suất ghi trong hợp đồng mà thực tế sẽ phải trả mức lãi suất "cắt cổ"... "Lãi mẹ đẻ lãi con", con nợ nhanh chóng vướng vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát, số tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay.

Ngày 17/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã bắt 4 đối tượng cho vay lãi nặng tại thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) do Định Thanh Tùng (thường gọi là Tùng "Phòng", SN 1987) cầm đầu. Cơ quan Công an làm rõ, Tùng cùng Vì Quốc Khánh (thường gọi là Khánh "Muộn", SN 1987) chung tiền vốn với nhau cho nhiều người vay nặng lãi trên địa bàn huyện Đà Bắc.

Các đối tượng này thuê Đinh Thế Trường (thường gọi là Trường "Black", SN 1995) và Bùi Văn Thọ (SN 1991), nhiệm vụ tìm khách vay, thu nợ lãi tiền vay... Để qua mắt cơ quan chức năng, nhóm đối tượng dùng "mác" kinh doanh dịch vụ cầm đồ có đăng ký kinh doanh. Phương thức, thủ đoạn cho vay tinh vi, các hợp đồng, giấy cho vay tiền đều không thể hiện lãi suất cụ thể, nếu vay thế chấp bằng tài sản như: sổ đỏ, ôtô, xe máy... thì viết dưới dạng giấy mua bán các tài sản thế chấp…

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng website quản lý tài chính "1cash.info" để quản lý nguồn vay nhằm đối phó với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác tiếp cận, đấu tranh, triệt phá.

Các đối tượng thường cho vay với lãi suất cao (từ 5.000 đồng đến 10.000  đồng/triệu/ngày), vượt quá lãi suất từ 9 lần đến 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng. Qua đấu tranh khai thác ban đầu, lực lượng chức năng xác định, từ tháng 10/2020 đến nay, nhóm đối tượng này đã cho hơn 130 người vay với số tiền khoảng 3,2 tỷ đồng, số tiền thu lời bất chính khoảng 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự cũng đã triệt phá chuyên án "tín dụng đen" ở huyện Kim Bôi, bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Thọ (SN 1975) và Nguyễn Duy Vũ (SN 1968), cùng trú tại huyện Kim Bôi.

Sau thời gian nghiên cứu, sử dụng các biện pháp trinh sát, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định được các đối tượng cho vay với lượng tiền lớn lên đến hàng chục tỷ đồng và lãi suất dao động từ 3000 - 10.000 đồng/triệu/ngày, số tiền thu lời bất chính lên đến hàng tỷ đồng. Bọn chúng lợi dụng danh nghĩa kinh doanh dịch vụ cầm đồ và sử dụng các thủ đoạn tinh vi như:

Các giấy vay nợ đều không ghi rõ số tiền lãi phải thanh toán; sử dụng nhiều số điện thoại, nhiều tài khoản trên các ứng dụng mạng xã hội để giao dịch, trao đổi với người vay; việc thanh toán tiền lãi sử dụng nhiều phương thức (chuyển khoản, trả trực tiếp hoặc chuyển qua người thân). Đánh giá tính chất, mức độ hoạt động của đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án để tập trung triển khai lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá.

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hoà Bình, ngoài việc phối hợp với các ban, ngành chức năng đấu tranh với nạn "tín dụng đen" thì người dân đóng với trò rất quan trọng  khi chủ động phát hiện dấu hiệu của tổ chức, thành viên hoạt động "tín dụng đen" báo cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý, tránh việc rơi vào bẫy "tín dụng đen"…

Thời gian tới, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và phối hợp với lực lượng chức năng trong đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Minh Hiền
.
.
.