Bủa lưới cá mập “tín dụng đen” ngoại quốc

Thứ Hai, 14/08/2023, 08:15

Không chỉ kiên quyết truy quét các địa chỉ “ma”, các văn phòng hoạt động trá hình “tín dụng đen”, Công an TP Hồ Chí Minh còn truy đến tận các chủ thuê bao “cho vay nợ”,  “cho vay trả góp”,  “hỗ trợ tài chính”  hay  “vay ngân hàng không thế chấp”  là những “biến tướng” của “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây…

Những “cá mập” nước ngoài ẩn mình

Cuối tháng 6 vừa qua, việc Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Maksim Zubkov (SN 1982, quốc tịch Liên bang Nga; ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) là người điều hành toàn bộ hoạt động của một loạt công ty núp bóng để cho vay lãi nặng đã khiến dư luận ngạc nhiên và hoang mang bởi quy mô cũng như phương thức, thủ đoạn của đường dây “tín dụng đen” này. Cơ quan CSĐT xác định Maksim Zubkov là người quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của 6 công ty gồm: TNHH Phúc Lộc Thọ, TNHH Gofingo, Infobot, Infinity, Solution Lab và Bảo Tín Kim Long, để cho vay tiền qua các trang web.

Maksim Zubkov khai nhận Công ty TNHH Gofingo Việt Nam được thành lập bởi 2 tập đoàn có trụ sở tại nước ngoài. Từ tháng 7/2019, Maksim Zubkov được thuê làm đại diện pháp luật của Công ty Gofingo Việt Nam với mức lương 140 triệu đồng/tháng. Theo điều tra, tất cả 6 công ty đều đặt trụ sở tại các tầng 7, 8, 11 tòa nhà Thủy lợi 4, số 102 đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh. Cả 6 công ty có mô hình hoạt động rất quy mô, đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn quản lý… nhưng đều có chung bộ máy tổ chức, nhân viên. Các công ty núp bóng dịch vụ cầm đồ, nhưng thực chất là tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng trái quy định trực tuyến thông qua các website như: senmo.vn, thantaioi.vn, caydenthan.vn…

Trong 6 công ty nêu trên, có 3 công ty vận hành chính việc cho vay là Công ty Gofingo xây dựng và quản lý các trang web senmo.vn và thantaioi.vn; Công ty Infobot quản lý hệ thống hotline tư vấn và chăm sóc khách hàng vay tiền trên các nền tảng trang web trên; Công ty Phúc Lộc Thọ tiến hành giải ngân tiền vay cho khách hàng và thu hồi tiền vay của khách…

Từ chứng cứ thu thập được, Cơ quan Công an xác định nhóm đối tượng cho vay mức lãi suất thấp nhất cho một giao dịch là 183%/năm, cao nhất lên đến 2.555%/năm (gấp 10 - 128 lần so với lãi suất cho vay cao nhất trong giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự), thu lợi bất chính hơn 442 triệu đồng. Ngoài ông trùm Maksim Zubkov, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 22 người là giám đốc, trưởng nhóm, nhân viên… của 6 công ty trên về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

2.jpg -0
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt Maksim Zubkov.

Tương tự, mở rộng điều tra vụ án cho vay lãi nặng trên 2 website tamo.vn và findo.vn của 3 công ty: TNHH Sofi Solutions, TNHH MTV thương mại dịch vụ Digital Credit và Fincap VN, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định “ông trùm” đứng sau mọi hoạt động cho vay lãi nặng là Aigars Plivs (quốc tịch Latvia, 38 tuổi, cư trú phường An Phú, TP Thủ Đức).

Aigars Plivs khai nhận cả 3 công ty trên đều hoạt động chung, cùng tham gia cho vay qua 2 trang web tamo.vn, findo.vn. Hai trang web này do Tập đoàn Sun Finance (trụ sở chính tại Latvia) thiết lập, thông qua 3 pháp nhân công ty để hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam; trong đó Công ty Sofi Solutions đóng vai trò đơn vị tư vấn, Công ty Digital Credit/Fincap VN là đơn vị cho vay tiêu dùng dù chưa được cấp phép.

Theo Cơ quan CSĐT, dù đứng pháp nhân độc lập, trụ sở kinh doanh khác nhau nhưng sử dụng chung một hệ thống điều hành bao gồm nhân sự, kế toán, chăm sóc khách hàng, thu hồi nợ, quảng cáo, trụ sở đăng ký ở quận 10 và quận 3, tuy nhiên thực tế 3 công ty kể trên cùng hoạt động tại một tòa nhà trên đường Phan Tôn, quận 1.

Aigars Plivs dù không đứng tên đại diện pháp luật nhưng là người đứng sau điều hành tất cả các hoạt động cho vay lãi nặng, thu hồi nợ, quản lý chi phí, nhân sự thông qua các trưởng phòng, trưởng bộ phận của cả 3 công ty thông qua 2 trang web tamo.vn, findo.vn. Và Aigars Plivs cũng có 2% cổ phần trong Công ty Sofi Solutions.

Hai trang web tamo.vn, findo.vn đã được cài đặt lập trình sẵn, khi có nhu cầu vay tín dụng, khách hàng chỉ cần đăng nhập, điền thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ email, thu nhập, chi tiêu hằng tháng, số CMND/CCCD, số tài khoản, hình ảnh CCCD, hình ảnh của người vay là hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay. Tuy nhiên, người vay sẽ phải chịu lãi suất “cắt cổ” - thấp nhất 401,5%/năm, cao nhất 1.379,7%/năm, gấp 20 - 68 lần mức lãi suất cao nhất cho phép theo quy định của Bộ luật Dân sự. Từ tháng 4/2019 đến lúc bị triệt phá, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt, tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 4.100 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã làm việc với 29 người vay tiền và xác định tổng số tiền thu lợi bất chính mà Cơ quan Công an đã chứng minh được của bên cho vay là 780 triệu đồng.

Các bị can như Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, ngụ quận 10, Giám đốc Công ty Digital Credit), Trương Tuấn Tài (32 tuổi, ngụ quận 6, Giám đốc Công ty Fincap VN) cùng nhiều nhân viên được xác định có nhiệm vụ triển khai mạng lưới tại Việt Nam. Số tiền mỗi lần khách được vay thấp nhất 500 ngàn đồng, tối đa 20 triệu đồng. Khi đến hạn, người vay không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày... tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn cực cao…

Không để “tín dụng đen” có đất sống

Theo Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, các công ty cho vay lãi nặng núp bóng doanh nghiệp do người nước ngoài cầm đầu rất khó xử lý vì thủ đoạn tinh vi, các đối tượng điều hành từ xa. Để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan các công ty này, Cơ quan CSĐT đã gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nơi hoạt động thực tế của họ… Việc bắt giữ được các đối tượng người nước ngoài kể trên là nỗ lực rất lớn của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị phối hợp trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen”.

Cũng theo Đại tá Mai Hoàng, bằng nhiều biện pháp công tác nghiệp vụ, Công an thành phố quyết tâm thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sẽ không để các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng công ty kinh doanh tài chính, tư vấn pháp luật, đòi nợ thuê biến tướng, lộng hành trên địa bàn thành phố.

Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, không để cho các đối tượng, băng nhóm “tín dụng đen” có điều kiện hoạt động. Vì loại tội phạm này thường kéo theo nhiều hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tạt sơn, chất bẩn khi người vay không trả nợ đúng hạn như đã xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Công an TP Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 138 thành phố huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân mở các đợt cao điểm tuyên truyền, bóc gỡ, xóa bỏ quảng cáo tín dụng sai quy định, lừa đảo chiếm đoạt tài sản góp phần đảm bảo TTATXH, chỉnh trang mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố. Chính từ hoạt động này, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục truy xét nhiều nhóm hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng từ những thông tin số điện thoại, địa chỉ… in trên tờ rơi, “card visit” để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật.

Phú Lữ
.
.
.