Đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen” ở Ninh Bình

Thứ Bảy, 11/12/2021, 14:53

Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, do công tác đấu tranh, tuyên truyền tốt nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không còn “tín dụng đen” lộng hành, tình trạng cho vay nặng lãi, siết nợ cũng giảm mạnh.

Để đẩy lùi, ngăn chặn các băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, Công an tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đấu tranh với tội phạm này.

Đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen” ở Ninh Bình -0
Đối tượng Tạ Văn Hưng

Đơn cử, Phòng Cảnh sát hình sự-Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Tạ Văn Hưng (SN 1986, trú tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Hiện vụ án đã chuyển cho Tòa án nhân dân tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào tháng 6, qua công tác nắm tình hình địa bàn, rà soát đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn TP Tam Điệp, Phòng Cảnh sát hình sự đã đấu tranh, làm rõ hành vi của Tạ Văn Hưng. Đấu tranh mở rộng, cơ quan Công an xác định Hưng đã huy động số tiền gần 2 tỷ đồng cho 17 người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vay với mức lãi suất từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/ngày, thu lợi bất chính số tiền trên 300 triệu đồng.

Thời gian tới, Công an tỉnh cho biết sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt là các đối tượng cho vay nặng lãi, băng nhóm đòi nợ thuê, siết nợ, đồng thời xây dựng kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm này.

Cơ quan chức năng cho biết, nhiều đối tượng ở các tỉnh ngoài thường móc nối với các đối tượng ở địa phương, đầu tư vốn mở công ty hỗ trợ tài chính, các đối tượng còn có sự móc nối với các chủ lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá để cho các con bạc vay tín chấp, những người vay tiền lãi suất cao thường sử dụng vào mục đích đánh bạc như: cá độ bóng đá, mua bán số lô, số đề…

Vì vậy, cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa Cục Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh về các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” liên tỉnh để phối hợp quản lý, đấu tranh.

Bên cạnh đó, cần đấu tranh quyết liệt đối với tội phạm đánh bạc, làm giảm tệ nạn cờ bạc, qua đó giảm tình trạng người vay tiền để sử dụng vào mục đích không chính đáng tạo điều kiện cho các đối tượng “tín dụng đen” hoạt động. Thành lập các tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), đặc biệt là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi giấy phép kinh doanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan doanh nghiệp, tổ dân phố phát hiện, ngăn chặn và tháo dỡ, xóa bỏ các biển quảng cáo, số điện thoại liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Công an tỉnh Ninh Bình thường xuyên tuyên truyền giúp người dân cao ý thức cảnh giác, tích cực tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Giúp người dân quản lý con em trong gia đình, kịp thời phát hiện những biểu hiện cờ bạc, vay nợ không chính đáng để có biện pháp quản lý, tố giác, không để xảy ra hậu quả lớn.

Công an tỉnh làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng lực lượng Công an tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

M. Hiền
.
.
.