Cảnh giác bẫy “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính

Thứ Năm, 09/12/2021, 19:09

Nhiều công ty núp bóng cầm cố, thế chấp để cho vay với lãi suất trên trời khiến việc phát hiện, xử lý không dễ dàng. Cơ quan Công an cảnh báo, để bảo vệ mình, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi, biến tướng của “tín dụng đen”.

Bóc trần “tín dụng đen” đội lốt doanh nghiệp

Đánh vào tâm lý người vay đang cần gấp khoản tiền để chi trả trong thời điểm dịch bệnh, nhiều đối tượng tìm cách dẫn dắt để người cần vay tiền đồng ý vay với lãi suất cao gấp vài chục lần lãi suất vay ngân hàng. Khi người vay không có khả năng chi trả, đối tượng cho vay sẽ tìm mọi cách uy hiếp tinh thần để thu hồi nợ. Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng mới đây, Bộ Công an cho biết, năm 2021, cơ quan Công an các địa phương đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ án, vụ việc và 1.718 người liên quan tới “tín dụng đen”, qua đó khởi tố 554 vụ, xử phạt hành chính 375 vụ.  

Các tội danh liên quan tới hoạt động “tín dụng đen” là giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác, cướp tài sản, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, hủy hoại tài sản, cho vay nặng lãi. Riêng với hoạt động cho vay nặng lãi, Công an các địa phương đã khởi tố 539 vụ án, trong đó đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, ra cáo trạng truy tố 193 vụ, đã xét xử 113 vụ, trả hồ sơ điều tra bổ sung 4 vụ, tạm đình chỉ điều tra 3 vụ.

Cũng theo Bộ Công an, bên cạnh các ứng dụng (app), website cho vay chính thống của các ngân hàng, đã xuất hiện khoảng 200 ứng dụng không rõ nguồn gốc, có liên quan đến người Trung Quốc, Indonesia, Nga có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.  Các ứng dụng này thường xuyên đổi tên, ẩn thông tin để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Trong đó có nhiều công ty lợi dụng công nghệ hoạt động “tín dụng đen” biến tướng, có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến.

Nâng cao cảnh giác

Với những rủi ro về an ninh trật tự liên quan đến tín dụng đen mà báo chí phản ánh thời gian gần đây, cơ quan Công an đã liên tục phát đi cảnh báo người dân về vấn nạn này. Để bảo vệ mình, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi, biến tướng của “tín dụng đen”.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng Công an huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết: “Trong những năm gần đây, Công an huyện Tân Phú cũng tập trung phá án trên chục vụ án liên quan đến “tín dụng đen””.

Cảnh giác bẫy “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính -0
Công an huyện Tân Phú (Đồng Nai) đang tích cực tuyên truyền về hậu quả của tín dụng đen, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Cơ quan chức năng nhận định, thời gian từ nay đến tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền sẽ tăng cao, tạo điều kiện cho các hoạt động tín dụng đen. Ðể tăng cường công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm liên quan “tín dụng đen”, lực lượng Công an huyện Tân Phú đang tích cực tuyên truyền đến từng người, từng nhà về hậu quả của tín dụng đen, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Đặc biệt, là các quy định về giao dịch, sử dụng vốn vay an toàn, thủ đoạn liên quan cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, Công an huyện Tân Phú phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát hình sự khuyến nghị, người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống được nhà nước cho phép hoạt động, trong trường hợp cần vay tiêu dùng. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể, có xác thực từ phía doanh nghiệp và người đi vay cũng cần tìm hiểu đầy đủ các quy định về lãi suất, phạt trả chậm,…

Để tránh trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức “tín dụng đen” và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép. Nếu có nhu cầu vay tiền, cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.

Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh tín dụng đen, trong đó có hoạt động cho vay trực tuyến qua app, vay ngang hàng và việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo: “Để hạn chế “tín dụng đen”, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Đồng thời, cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”.

Các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính cần tiếp tục mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức.

Minh Anh
.
.
.