Đấu tranh mạnh với tội phạm hoạt động "tín dụng đen"

Thứ Năm, 04/08/2022, 04:34

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang, lợi dụng đời sống người dân khó khăn sau dịch COVID-19, nhiều người bị thất nghiệp, chưa tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng nên các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" tìm mọi cách để thực hiện hành vi vi phạm.

Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, "tín dụng đen" thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nhiều gia đình do vay tiền của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải tha phương cầu thực, gia đình mâu thuẫn, ly tán…

Đấu tranh mạnh với tội phạm hoạt động
Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh An Giang họp triển khai quy chế, kế hoạch phối hợp.

Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh An Giang thường từ nơi khác đến địa phương, hoạt động núp bóng bằng hình thức thành lập các công ty tư vấn đầu tư phát triển thương mại, công ty thương mại dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, cầm đồ, cho vay dưới hình thức không cần nhiều thủ tục, giấy tờ. Chỉ cần thế chấp một số giấy tờ liên quan, như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe… là được giải ngân cho vay vốn với lãi suất trả góp hàng ngày rất cao từ 20 đến 60%.

Để đảm bảo thu hồi được nợ vay, các đối tượng đã có sự câu kết với các nhóm đối tượng bảo kê, hoạt động băng nhóm, liên tuyến, liên địa bàn để đe dọa khủng bố tinh thần nạn nhân. Đã xảy ra nhiều vụ uy hiếp, ném chất bẩn, dán thông báo truy tìm lừa đảo hoặc dùng vũ lực thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong người dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và đẩy lùi "tín dụng đen" trong đời sống xã hội là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành và nhân dân. Từ đó, góp phần lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, bảo vệ ANTT địa phương". Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang quyết liệt tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Đặc biệt, UBND tỉnh An Giang đã quyết định thành lập "Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh do Giám đốc Công an tỉnh An Giang làm Tổ trưởng. Thành viên của Tổ công tác gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và Trưởng Công an các đơn vị, địa phương.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cho biết, đời sống và việc làm ăn của người dân sau dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm "tín dụng đen" hiệu quả nhất là các cấp, các ngành phải chung tay thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về "tín dụng đen", bẫy "tín dụng đen" và hệ lụy của nó gây ra. Thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của "tín dụng đen" và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

"Riêng đối với Công an các đơn vị, địa phương nơi nào để xảy ra tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, kéo dài, chậm được phát hiện, xử lý gây bức xúc trong dư luận thì Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an tỉnh", Đại tá Đinh Văn Nơi khẳng định. Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã quán triệt đến Công an các đơn vị, địa phương phải tăng cường siết chặt công tác quản lý nhà nước về ANTT liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen". Trong đó, triệt để thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động "tín dụng đen", đòi nợ thuê, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở. Các địa phương cũng rà soát, triển khai các biện pháp quản lý đối với người tham gia hụi, góp vốn; phối hợp, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh. Ứng dụng hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành liên quan trong quản lý số thuê bao, tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội.

Đồng thời, Công an tỉnh An Giang sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh An Giang, Sở Thông tin truyền thông, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư... đề xuất các biện pháp quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động "tín dụng đen" trên không gian mạng và các vấn đề nảy sinh liên quan đến quản lý việc góp vốn, đầu tư vào hoạt động cho vay của người nước ngoài tại Việt Nam. Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ, thống nhất đường lối xử lý và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" để tạo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Đồng thời nghiên cứu, phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, các vi phạm, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Trong đó chú ý đến quy định chế tài xử lý về hình sự, hành chính cần nghiêm khắc hơn so với quy định hiện hành để tạo tác dụng răn đe, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này…

Trần Lĩnh
.
.
.