Công an Hà Tĩnh kiên quyết đấu tranh, xử lý “tín dụng đen”

Chủ Nhật, 28/11/2021, 10:39

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi. Hoạt động này tuy không rầm rộ, nhưng các đường dây này do đối tượng cộm cán cầm đầu khiến tình hình có chiều hướng phức tạp, khó lường.

Cuối tháng 11/2021 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Dũng (SN 1971, tức Dũng “ba sẹo”), trú tại phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh, là đối tượng cầm đầm trong đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn cùng hai đàn em gồm: Nguyễn Chí Thành (SN 1978) và Nguyễn Hoài Nam (SN 1989), cùng trú tại TP.Hà Tĩnh về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Dũng “ba sẹo” từ lâu được biết đến là đối tượng xã hội cộm cán, thường xuyên vào tù ra tội, có 7 tiền án, tiền sự về các tội danh: mua bán trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản... Gần đây, đối tượng này lọt vào tầm ngắm của cơ quan Công an, khi có dấu hiệu cầm đầu đường dây chuyên hoạt động cho vay tiền, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, với phương thức tinh vi, chuyên nghiệp. Khi con nợ đến hạn trả tiền nhưng chưa trả được nợ, Dũng chỉ đạo đàn em kéo đến nhà để uy hiếp, đe doạ tinh thần, sử dụng vũ lực không chỉ đối với con nợ mà còn cả với người thân của họ, làm mất an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận.

Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Tĩnh đã khẩn trương vào cuộc, tập trung lực lượng điều tra. Sau khi thu thập đủ tài liệu, chứng cứ liên quan, đơn vị này đã tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Dũng, thu giữ được số tiền mặt 26,9 triệu đồng, 1 cây đao tự chế, 1 khẩu súng bắn đạn cao su và một số sổ sách, tài liệu có liên quan.

image001.jpg -0
image002.jpg -1
Dũng “ba sẹo” cùng đàn em bị bắt giam về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, đã tổ chức cho vay theo hình thức “cắt lãi trước” và giới hạn về số tiền cho vay, nhằm "né” sự truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người vay không trả đúng hạn, không còn khả năng trả nợ, Dũng cùng đàn em tìm đến gây áp lực bằng cách uy hiếp, đe dọa. Do tâm lý sợ bị trả thù, nhiều người vay đã cam chịu mà không dám tố cáo với cơ quan chức năng.

Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh, băng nhóm cho vay nặng lãi có tính chất côn đồ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” bị phát hiện và triệt xóa mà trước đó, tại một số địa phương, một số ổ nhóm hoạt động với tính chất, hành vi tương tự cũng bị triệt phá, bắt giữ.

Đơn cử, tháng 8/2021, Công an huyện Hương Sơn khởi tố 2 vụ án, khởi tố 2 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nhóm đối tượng Thái Đình Bình (SN 1992) và Nguyễn Tiến Tường (SN 1991), cùng trú tại huyện Hương Sơn, hoạt động cho vay nặng lãi. Chị Phạm Thị H. (SN 1972) có vay của nhóm này số tiền 40 triệu đồng, với mức tiền lãi là 5.000 đồng/triệu/ngày. Do chị H. không đóng lãi đúng hạn, Bình và Tường rủ thêm 3 đối tượng khác đến chợ Phố Châu lấy toàn bộ hoa quả của chị H. buôn bán tại đây, nhằm gây sức ép để đòi khoản tiền mà chị H. đang nợ. Công an huyện Hương Sơn đã vào cuộc, khởi tố nhóm đối tượng này về tội cưỡng đoạt tài sản. Mở rộng điều tra, đơn vị này tiếp tục khởi tố bổ sung thêm tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

 Cùng thời gian này, Công an huyện Hương Sơn cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Thị Hiền (SN 1963) trú tại xã Sơn Phú về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cố ý gây thương tích. Là đối tượng chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, khi con nợ không trả lãi đúng hẹn, Hiền hẹn đến nhà, đánh đập dẫn đến con nợ bị thương tích nặng, phải nhập viện điều trị.  

Trong thời gian gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều hướng phức tạp, khi các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi và núp dưới bóng tiệm cầm đồ, quán karaoke ...hòng che mắt lực lượng chức năng, để cho người dân có nhu cầu vay tiền với lãi suất cắt cổ. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, biến tướng để cho vay như viết giấy, chụp ảnh, giữ căn cước công dân, giấy phép lái xe… Từ đó gây ra không ít khó khăn cho công tác điều tra, triệt xóa. Thậm chí, có đối tượng là người ngoại tỉnh, hoặc cấu kết với người ngoại tỉnh để hoạt động. Trong đường dây núp bóng doanh nghiệp cho vay nặng lãi hơn 500 tỷ đồng ở Nghệ An bị đánh sập hồi tháng 7/2021, có đến 8 cơ sở cho vay được mở tại Hà Tĩnh. Lãnh đạo Công an Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung đánh mạnh vào loại tội phạm này. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh gặp không ít khó khăn khi các đối tượng đều có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó. Ngoài ra, tội phạm trong lĩnh vực này còn hoạt động khá kín kẽ, thường tổ chức thành các đường dây, băng nhóm; người vay tiền chủ yếu là người có mối quan hệ quen biết từ trước.

Ngày 26/11 vừa qua, tại Hội nghị triển khai các phương án trọng tâm của Bộ Công an về phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Công an Hà Tĩnh đặt ra là Công an các đơn vị, địa phương phải chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, phát hiện, lập hồ sơ các băng nhóm có dấu hiệu hoạt động tội phạm. Tập trung đấu tranh với các đối tượng trọng điểm về tội phạm có tổ chức, nhất là các băng nhóm “núp bóng doanh nghiệp”; “tín dụng đen”; bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản đang hoạt động trên địa bàn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây hoạt động cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Sơn… tránh tình trạng hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” làm ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự; nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như hiện nay, khó khăn về kinh tế khiến cho tình hình “tín dụng đen” trở nên khó lường hơn.

Thiên Thảo
.
.
.