Chính quyền đồng hành với người dân trong cuộc chiến chống “tín dụng đen”

Thứ Hai, 06/12/2021, 20:00

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực, không còn lộng hành, công khai như trước, tình trạng treo biển, phát tờ rơi quảng cáo giảm rõ rệt; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao; công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chuyển biến tích cực.

Để có được kết quả đó, bên cạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của lực lượng Công an, đã có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Chính sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp đã tạo hiệu ứng tích cực trong cuộc chiến với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

untitled-1.jpg -0
 Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) kiểm tra tại một hiệu cầm đồ (ảnh Thy Thảo)

Theo đó, các địa phương đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nội dung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự. Quán triệt, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trực thuộc không trực tiếp, gián tiếp tham gia hoạt động “tín dụng đen”, chấp hành nghiêm pháp luật về vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn, môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ… để vi phạm pháp luật.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ lồng ghép các nội dung về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

UBND các cấp đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an, các tổ chức đoàn thể tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt việc đăng ký kinh doanh, hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh, an ninh trật tự, in, phát tán tờ rơi, treo dán quảng cáo, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, mạng xã hội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho người dân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh, thiên tai; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ người dân trong giải quyết các công việc liên quan, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen”.

Ban Chỉ đạo 138 các cấp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm.

Triển khai xây dựng và củng cố, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, xã hội hóa lắp camera an ninh, các mô hình tự quản để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm, phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, hạn chế phát sinh tội phạm. Phát động, ra quân bóc dỡ các biển quảng cáo, tờ rơi liên quan đến tín dụng đen.

Lập nhiều hòm thư tố giác tội phạm, gửi thư kêu gọi, phát động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Huy động các ban ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng ngừa, cảm hóa, giáo dục, răn đe, kiểm điểm trước dân số đối tượng cư trú trên địa bàn.

Liên ngành tư pháp các cấp tổ chức xét xử lưu động, công khai, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các vụ án nghiêm trọng, các vụ án có phương thức thủ đoạn mới nhằm tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa tội phạm...     

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập các đoàn công tác liên ngành gồm thành viên thuộc các sở, ngành tại địa phương, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh (CSKD) có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”.

Kết quả: Đã thành lập 1.268 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 8.204 lượt, đối với 11.375 cơ sở kinh doanh (CSKD) có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, qua đó phát hiện 1084 CSKD vi phạm, tiến hành xử phạt 512 cá nhân, thu hồi 315 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT của các CSKD có điều kiện về an ninh trật tự có liên quan.

Điển hình như thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện 48/546 CSKD vi phạm; tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 110/1609 cơ sở vi phạm; tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện 358/738 cơ sở vi phạm; TP Hải Phòng kiểm tra, phát hiện 14/829 cơ sở vi phạm; tỉnh Tây Ninh kiểm tra, phát hiện 16/488 cơ sở vi phạm; tỉnh Trà Vinh kiểm tra, phát hiện 16/1353 cơ sở vi phạm...

So với năm thứ nhất, số đoàn kiểm tra, số lượt kiểm tra giảm (nguyên nhân phần lớn là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp) nhưng số CSKD được kiểm tra tăng 664 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm đã giảm 583 cơ sở, số cơ sở bị xử phạt tăng 108 cơ sở, số cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT tăng 214 cơ sở, cho thấy các CSKD đã nâng cao ý thức chấp hành quy định, đồng thời các đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm hơn, nhiều hơn các cơ sở vi phạm.

Thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, dự báo sẽ phát sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo kiến nghị của Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đề nghị các đoàn thể triển khai các giải pháp trọng tâm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12; thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”…

UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn, kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”.

Phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn.

Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến “tín dụng đen” để vay vốn.

N. Quang
.
.
.