Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, công ty tín dụng khổ vì thu hồi nợ

Thứ Ba, 14/06/2022, 08:40

Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhu cầu vay tiền tại các công ty tín dụng của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên nhiều người vay cố tình chây ì không trả nợ đúng hạn khiến các công ty tín dụng khốn đốn.

Chưa đủ sức răn đe với người đi vay

Thời gian qua, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Chí Công và Thiện Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội không ít lần nhận được những lời “cầu cứu” từ các công ty tín dụng do người vay tiền chây ì, né tránh trả nợ. 

Theo Luật sư Tâm, các công ty tài chính, tín dụng gặp khó khăn trong vấn đề thu hồi nợ dẫn đến tình trạng nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. 

Trước hết, phần lớn khách hàng của các công ty tài chính là ở phân khúc thu nhập trung bình thấp, nhạy cảm với các biến động kinh tế. Đặc biệt như sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 thì họ cũng không là một ngoại lệ. Do đó, dễ dẫn đến thu nhập giảm sút, mất việc làm, không có thu nhập dự phòng, … từ đó việc thanh toán khoản vay trở nên quá sức với mình.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, công ty tín dụng khổ vì thu hồi nợ -0
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Chí Công và Thiện Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

“Việc cho vay của các công ty tài chính thủ tục còn đơn giản. Người đi vay không cần tài sản bảo đảm nên khi thu hồi các khoản vay không nhận được sự hợp tác của người đi vay. Trong khi đó, cơ chế quản lý về hoạt động cho vay còn chưa rõ ràng dẫn đến nhiều hệ lụy, chưa đủ tính răn đe đối với người đi vay khi khoản nợ khi đã quá hạn”, Luật sư Tâm phân tích. 

Đồng quan điểm trên, Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay khó khăn nhất đối với các công ty tài chính trong việc thu hồi các khoản nợ không có tài sản bảo đảm cho khoản vay (hay là các khoản vay tín chấp). 

“Các khoản vay nhỏ không có tài sản bảo đảm, nhất là các khoản vay tiêu dùng, thủ tục khởi kiện tại tòa lâu mà mất nhiều chi phí. Đây cũng là một trở ngại đối với các công ty tài chính.

Một nguyên nhân khác đến từ người đi vay, là ý thức về việc trả nợ và thanh toán các khoản nợ. Có nhiều người chây ì, cố tình không trả nợ. Cho nên câu chuyện ở đây chính là câu chuyện về kinh tế, sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính về nghiệp vụ cho vay và lợi nhuận đem lại từ mảng này, giữa việc trả nợ khoản vay, chi phí đòi nợ khoản vay”, Luật sư Hiền nhấn mạnh. 

Nhanh chóng hoàn thiện Luật xử lý nợ xấu 

Ở góc độ Luật pháp, Luật sư Phan Kế Hiền đánh giá, việc vay và cho vay của các công ty tài chính với khách hàng vay, hiện nay các quy định của pháp luật khá đầy đủ từ khâu xét duyệt, thẩm định để cho vay cho tới thực hiện hợp đồng và thanh toán khoản nợ của khách hàng. Các chế tài dân sự, hành chính và hình sự nếu có sự vi phạm về nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy, Luật sư Hiền cho rằng, điều quan trọng nhất ở đây cần phải lưu tâm tới và hoàn thiện là con người.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, công ty tín dụng khổ vì thu hồi nợ -0
Luật sư Phan Kế Hiền.

“Con người là người trực tiếp quyết định tới việc đi vay, cho vay, tới việc khoản nợ có được thu hồi hay không. Trong quá trình đó là thẩm định hồ sơ cho vay. Người cho vay có quyền tự do lựa chọn có cho vay hay không, căn cứ vào mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ. Nếu khâu thẩm định tốt sẽ giảm bớt đi rất nhiều các hồ sơ rủi ro cao”, Luật sư Hiền nói. 

Vị Luật sư chỉ rõ, các khoản vay không có bảo đảm rất nhiều, nhất là đối với việc cho vay tiêu dùng. Với các khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng như: vay mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, sửa nhà…) thì không cần có tài sản bảo đảm cho khoản vay. Với những khoản vay này, Luật sư Hiền cho rằng, rất hay xảy ra hiện tượng người đi vay không có khả năng thanh toán, không có tài sản đảm bảo. 

“Nhiều người chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu thôi là đã có thể vay được một khoản tiền rồi.  Do đó, các công ty tín dụng, tài chính cần kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng trước khi làm thủ tục cho vay, tránh tình trạng người đi vay không có đủ khả năng trả nợ. Ở đây, cần sự tuân thủ đầy đủ các quy định trong khâu thẩm định hồ sơ, nhất là đối với phương án và khả năng trả nợ của người vay. Như thế mới tránh được các rủi ro với công ty tài chính”, Luật sư Hiền nêu giải pháp. 

Ở khía cạnh khác, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm phân tích: “Chúng ta phải hiểu rằng các trường hợp nợ xấu đa phần là các trường hợp cho vay tín chấp. Nếu cho vay có đảm bảo thì bên cho vay hoàn toàn có khả năng thanh lý tài sản để đảm bảo thu hồi khoản vay. Bởi vậy, pháp luật cần phải quy định chặt chẽ đối với trường hợp cho vay tín chấp. 

Mặt khác, đánh giá về năng lực trả nợ của bên vay cũng là một trong các yếu tố quan trọng giúp khả năng thu hồi khoản nợ tốt. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện Luật xử lý nợ xấu để tạo hành lang pháp lý nhằm xử lý các trường hợp nợ xấu một cách hiệu quả, đúng luật”. 

Trong trường hợp người vay tiền cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian trả nợ và không tuân thủ thỏa thuận ban đầu giữa 2 bên, Luật sư Tâm đề nghị các công ty tài chính, tín dụng liên hệ với cơ quan công an, cơ quan luật pháp để được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi. 

“Nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay cần đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý đúng quy định chứ không nên tự xử lý, không cẩn thận có thể phải chịu những rủi ro pháp lý”, Luật sư Tâm chia sẻ thêm.

Đình Hoàn
.
.
.