An ninh mạng khuyến cáo 3 giai đoạn thu hồi nợ của các app “ tín dụng đen”

Thứ Hai, 25/10/2021, 14:22

Thời gian qua, trên mạng internet, mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều thông tin, bài viết, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tiền trực tuyến, vay tiền nhanh, vay tiền qua ứng dụng di động (app). Hoạt động cho vay này chủ yếu theo kiểu tín chấp, người đi vay không cần tài sản đảm bảo, thế chấp, thủ tục lại nhanh gọn nên ngày càng có nhiều người mắc vào.

Bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, xuất hiện nhiều ứng dụng hoạt động dưới hình thức “tín dụng đen”, các ứng dụng này thường thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo theo dõi của các cơ quan chức năng. Theo thống kê, hiện có đến hàng trăm ứng dụng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” như vậy (thông qua website, qua các ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu trên GooglePlay, AppStore như: Tamo, Vdong, Movay, Ucash…). Khi khách hàng cài đặt một hoặc một vài ứng dụng vay, sẽ có nhân viên của nhiều ứng dụng khác liên hệ, liên lạc để giới thiệu, mời chào khách hàng cài đặt và vay trên ứng dụng của họ.

An ninh mạng khuyến cáo 3 giai đoạn thu hồi nợ của các app “ tín dụng đen” -0
An ninh mạng khuyến cáo về các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng hoạt động (ảnh minh hoạ)

Các app “tín dụng đen” thường sẽ lập ra nhiều bộ phận khác nhau như: bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng vay (hotline); bộ phận tiếp nhận và duyệt hồ sơ vay; bộ phận nhắc nợ, thu hồi nợ.

Khi cài đặt, các app đã yêu cầu khách hàng phải đồng bộ danh bạ, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn, kiểm soát phần mềm cài đặt trên máy, sau đó quá trình đăng ký và kiểm duyệt hồ sơ vay, nhân viên yêu cầu khách hàng cung cấp rất nhiều thông tin như: ảnh chụp cá nhân cùng với chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu, cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook) và nhiều thông tin cá nhân liên quan khác. Các thông tin này sẽ được cập nhật, lưu trên hệ thống của các app “tín dụng đen” và sử dụng phục vụ quá trình nhắc nợ, thu hồi nợ. Bên cạnh đó, những thông tin cá nhân của khách hàng cũng có thể được cung cấp cho các đơn vị trung gian thanh toán, ngân hàng phục vụ quá trình giải ngân, thanh toán khoản vay.

 Khi gần đến hẹn trả nợ, nhân viên của app sẽ thực hiện các cuộc gọi đến khách hàng để nhắc nợ. Đến kỳ hạn khách hàng chưa thanh toán khoản vay, chúng sẽ gọi điện đòi nợ. Nếu khách hàng không trả nợ, thanh toán khoản vay, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa, có khi còn đưa lên mạng xã hội những thông tin, hình ảnh nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của khách hàng. Tiếp đó, từ danh bạ điện thoại “con nợ”, các đối tượng sẽ liên hệ, liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình của khách hàng với mục đích gây áp lực tâm lý cho người nợ để đòi bằng được tiền.

Theo khuyến cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động thu hồi nợ với từng khách hàng sẽ tiến hành với 3 giai đoạn chủ yếu khác nhau. Giai đoạn 1: giới thiệu là nhân viên thu hồi nợ của công ty, của app vay tiền gọi điện, nhắn tin đến khách hàng để yêu cầu xử lý khoản nợ. Giai đoạn 2: sử dụng số điện thoại ẩn danh gọi điện, nhắn tin cho khách hàng hoặc người thân, bạn bè của khách hàng để chửi bới, đe dọa, yêu cầu xử lý khoản nợ. Giai đoạn 3: sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook ẩn danh tán phát thông tin, hình ảnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm khách hàng và các mối quan hệ của khách hàng trên mạng xã hội nhằm gây áp lực để khách hàng trả nợ.

Cơ quan Công an cho biết, hoạt động nhắc nợ, thu hồi nợ nêu trên có dấu hiệu vi phạm điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/ND-CP: “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”…; nặng hơn, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm về tội “Làm nhục người khác” được quy định tại điều 155 Bộ Luật hình sự.

Xuân Thu
.
.
.