Cần thêm nhiều chính sách “mở” để người dân tiếp cận nguồn tín dụng Nhà nước

Thứ Ba, 16/11/2021, 19:35

Trước vấn nạn “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, nhiều cơ quan, tổ chức đã vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng này. Một trong những biện pháp để đẩy lùi “tín dụng đen” là sự “cởi mở” hơn ở một số chính sách của Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Một giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh truyền thông hoạt động cho vay tiêu dùng chính thống tới khách hàng: tạo cơ chế để các tổ chức tài chính phối hợp cùng các cơ quan Nhà nước để truyền thông tới người dân, người lao động được nâng cao nhận thức và hiểu rõ về các dịch vụ của công ty tài chính, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hợp pháp. Đồng thời, cần có chế tài mạnh đối với hoạt động ‘tín dụng đen’. Từ đó hướng người dân đến các sản phẩm dịch vụ tín dụng hợp pháp, góp phần đẩy lùi ‘tín dụng đen’ và ổn định đời sống xã hội của người dân”.

Cần thêm nhiều chính sách “mở” để người dân tiếp cận nguồn tín dụng Nhà nước -0
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Những năm qua, tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60-70% tổng tăng trưởng kinh tế. Để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai. Các công ty tài chính đã mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN), các công ty tài chính cùng với các tổ chức tín dụng luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, không ngừng nỗ lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, theo chiều hướng thấp hơn và rất nhiều khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi hơn, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng; thực hiện kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng tín dụng, các tổ chức tín dụng cũng nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng, tăng cường kiểm tra giám sát đối tượng khách vay. Tuy nhiên, đối với chính các tổ chức tín dụng, cũng còn một số khó khăn vì quy định trong quản lý Nhà nước về quản lý nguồn vốn. Trong đó, các công ty tài chính đề nghị các cơ quan quản lý từng bước rà soát lại các Thông tư, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng để hạn chế thấp nhất sự chồng chéo; điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động thực tế, đặc biệt trong giai đoạn các đơn vị đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các đơn vị mong muốn điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Cần điều chỉnh tỉ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp đặc thù ngành. Đồng thời kịp thời hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn (hành lang pháp lý) áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số như eKYC, định danh số, chữ ký số, chữ ký điện tử, bao gồm cả việc giải quyết các tranh chấp đối với các giao dịch được thiết lập dưới hình thức chữ ký số, chữ ký điện tử, hướng dẫn phương thức thanh toán qua ví điện tử…

Các công ty tài chính cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để hạn chế ảnh hưởng của “tín dụng đen”…

Đáng chú ý, các công ty tài chính cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét nghiên cứu, ban hành các hành lang pháp lý cụ thể về hoạt động cho vay có sử dụng các phương thức điện tử theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn (phê duyệt tín dụng qua phương thức điện tử, quy định về chữ ký điện tử, xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến...).

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thực hiện được đồng bộ các biện pháp trên, hướng tới việc đông đảo người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nhà nước, chắc chắn tệ nạn “tín dụng đen” sẽ sớm bị thu hẹp.

N.C
.
.
.