Các công ty tài chính đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Thứ Bảy, 20/11/2021, 19:30

Thời gian qua, ngành tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính (CTTC) đã thực hiện nhiều biện pháp để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Trong những năm qua, nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các CTTC đã chú trọng việc mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

tinchap.jpg -0

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các CTTC cùng với các TCTD luôn đồng hành cùng Chính phủ, NHNN trong việc thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, không ngừng nỗ lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, lãi suất ngày một giảm và rất nhiều khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi của các công ty (thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN).

Theo thống kê 9 tháng năm 2021, CTTC Fe Credit đã có tới 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2 nghìn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi; tại Lotte Finance, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng; tại Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi đã được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 45 tỷ đồng; tại Công ty SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng; Công ty MB SHINSEI hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng…

Trong bối cảnh khó khăn, các công ty đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (Digital Lending), tận dụng ứng dụng CNTT để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng; thực hiện kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định.

Các CTTC nỗ lực nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để bảo đảm chất lượng tín dụng…

Phát biểu tại Hội thảo “Cảnh báo tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do báo Lao động phối hợp với NHNN tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng. Nhiều TCTD đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội.

Tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của “tín dụng đen” vẫn được duy trì với tốc độ tăng trưởng khá. Ngành Ngân hàng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”.

Các tổ chức tín dụng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

Với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn đã được xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay….

Giới thiệu các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng trong hệ thống, kịp thời hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; góp phần hạn chế đoàn viên, hội viên tìm đến “tín dụng đen”.

Ông Đào Minh Tú cũng nêu ý kiến, các cơ quan báo chí, truyền thông cần quan tâm phối hợp với ngành Công an, ngành Ngân hàng đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân về: các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen”, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Hoạt động tín dụng càng phát triển, doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn dồi dào, nguồn tiền vào đầu tư, sản xuất tăng sẽ gia tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế người dân, giảm nguy cơ người dân tìm đến “tín dụng đen”.

N.C
.
.
.