Bị khủng bố điện thoại khi… đứa em họ vay tiền qua app “đen”
Chính vì việc cho vay tiền qua app “đen” quá dễ dàng, không cần phải thế chấp, chứng minh tài sản, thu nhập, không cần phải đi đâu, chỉ với vài thao tác qua điện thoại là có thể vay được tiền nhanh chóng nên nhiều người đã tìm đến hình thức cho vay này...
Nhưng nào ngờ, từ số tiền vay ít ỏi ban đầu, mà chỉ một thời gian ngắn sau, số tiền phải trả đã lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, vượt khả năng chi trả của “con nợ”. Nhiều người đi vay lâm vào tình cảnh sống dở chết dở, thậm chí cả người thân, người quen của họ cũng bị liên lụy.
Một ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu bên kia hỏi tôi có quen biết người nào tên T không. Cuộc gọi hỏi đột ngột nên tôi nhất thời không nghĩ ra mình có quen biết ai tên T cả. Tôi nghĩ họ nhầm máy nên báo lại và cúp điện thoại.
Ngày hôm sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, lần này đối tượng lại hỏi tôi có biết anh T không và cho biết anh T ở tỉnh Thanh Hóa. Tôi chưa kịp hỏi gì thì đầu bên kia sẵng giọng, nói anh T có vay tiền của họ và kêu tôi bảo anh T trả tiền cho họ. Tôi giải thích rằng, mình ko sinh sống ở Thanh Hóa và cũng không biết, không liên quan đến việc anh T vay tiền của họ.
Dù tôi đã nói thế, nhưng đối tượng gọi vẫn yêu cầu tôi bảo anh T trả tiền cho họ và đe doạ nếu anh T không trả tiền thì sẽ báo Công an. Ngày hôm sau, tôi lại bị đối tượng lạ gọi điện tới, yêu cầu tôi nói với anh T trả tiền họ…
Liên tục nhiều ngày sau, tôi bị nhiều số điện thoại lạ khác gọi điện quấy rầy, có ngày lên đến vài chục cuộc gọi, không nghe máy, họ cứ vài phút gọi lại một lần, đến khi mình nhấc máy mới thôi. Đối tượng gọi dùng lời lẽ thô tục chửi bới và đe doạ nếu tôi không yêu cầu được anh T trả tiền cho họ thì cũng sẽ bị “xử”.
Lúc đầu, chúng còn để cho tôi thanh minh rằng tôi không liên quan gì đến T và món nợ, sau nữa các đối tượng gọi không cần nghe tôi nói gì, máy cứ kết nối là họ bắt đầu chửi bới với lời lẽ tục tĩu… Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng bất an, cứ thấy có số điện thoại không có tên trong danh bạ điện thoại là không dám nghe…
Thực tế quê tôi ở tỉnh Thanh Hóa và tôi có một đứa em họ tên T nhưng đã rất lâu không gặp. Những ngày sau, tôi có về quê, gặp bà cô họ và được cô kể cho nghe việc T có vay nợ qua app “đen”. Bà cô của tôi cũng kể rằng, chính cô cũng nhiều lần bị các đối tượng lạ gọi điện đến quấy rầy.
Bà cô cho biết, do cần tiền nên T đã lên mạng tìm một app “đen” để vay tiền. Số tiền vay chỉ có vài triệu nhưng quá hạn thanh toán T không có tiền trả. Bên cho vay giới thiệu T vay qua một số app khác để trả tiền cho họ. Rồi T cứ loanh quanh vay app này để trả cho app kia dẫn đến số tiền gốc và lãi lên đến hàng chục triệu và T đã không còn khả năng trả nợ, phải bỏ quê đi. Khi vay tiền, các app yêu cầu T cho quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, và đó cũng là lý do mà tôi và nhiều người thân, người quen của T có số điện thoại lưu trong máy của T bị quấy rầy…
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã đưa tin khá nhiều về vấn nạn “ tín dụng đen” và hệ luỵ của nó. Đặc điểm của loại hình cho vay qua app là số tiền cho vay nhỏ, thời gian cho vay ngắn khoảng 1 tuần. Tuy nhiên trên thực tế người vay không được nhận đủ số tiền theo hợp đồng. Các app cho vay sẽ giữ lại khoảng 1/3 số tiền theo hợp đồng để trừ tiền lãi và tiền phí các loại dịch vụ. Nếu hết một tuần, người vay không trả được nợ, nhân viên của các app lại tiếp tục giới thiệu các app mới để con nợ vay của app sau trả cho app trước.
Và với cái vòng luẩn quẩn đó, người vay bị cuốn vào và mắc kẹt với khoản nợ khó có khả năng thanh toán. Có những nạn nhân cho biết ban đầu chỉ vay 8 triệu của hai app và khi đến hạn ko có tiền trả thì nhân viên của app giới thiệu các app khác để vay lấy tiền trả cho app trước. Và sau 3 tháng, từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng mà số tiền vay đã lên đến hơn 200 triệu đồng; rồi từ chỗ chỉ vay của 2 app mà sau đó con nợ đã phải vay tới 64 app. Số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hàng ngày khiến người vay lâm vào cảnh dở sống dở chết, bế tắc cùng cực.
Để đòi nợ, các app “đen” dùng các thủ đoạn khủng bố tinh thần của người vay, gia đình của họ, thậm chí là bất cứ ai có tên trong danh bạ điện thoại của người vay nhằm gây sức ép trả nợ… Bản thân tôi không ngờ có ngày mình cũng trở thành nạn nhân của việc đòi nợ vô lối đó, dù rằng tôi chẳng liên quan và không hay biết gì về việc cho vay của các app “đen”. Hay có lần qua mạng xã hội facebook, tôi tình cờ nhìn thấy ảnh của người dì họ bị ghép bậy bạ với những dòng chữ bôi xấu người trong ảnh. Tôi giật mình gọi điện ngay cho dì để hỏi rõ thực hư. Dì tôi rất ngạc nhiên cho biết, dì không vay nợ của ai cả, thậm chí dì còn không biết việc hình ảnh của mình bị ghép bậy bạ trên mạng…
Thời gian qua, bên cạnh việc quyết liệt vào cuộc điều tra, xử lý các đường dây "tín dụng đen", cơ quan Công an cũng thường xuyên khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối tránh xa vay nặng lãi qua app “đen”. Trong trường hợp trót là "nạn nhân" của app “đen” và bị uy hiếp đòi nợ thì cần liên hệ với Công an địa phương để được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Nếu thực sự khó khăn và có nhu cầu vay tiền, người vay cần tìm đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các công ty cho vay tài chính được Nhà nước cấp phép.