Báo chí, truyền thông góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Thứ Hai, 22/11/2021, 20:46

Cảnh báo người dân về các bẫy “tín dụng đen”, khuyến cáo tìm đến các giải pháp tài chính hiệu quả và an toàn hơn… đó là những thông tin tuyên truyền, thể hiện vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thời gian qua, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Vấn nạn “tín dụng đen” hoạt động qua các ứng dụng cho vay trực tuyến đang diễn biến phức tạp, tác động đến mọi tầng lớp người dân. Trong thời điểm cuộc sống khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, không ít người bị dẫn dụ đến với các app “tín dụng đen” để rồi sau đó, rơi vào vòng luẩn quẩn khi vay app trước trả app sau. Từ vay 1 app ban đầu vài triệu đến vay hàng chục app với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Khi không có tiền chi trả, bản thân người vay và gia đình bị các app khủng bố, đe doạ.

Báo cáo 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho thấy, các cơ quan báo chí, truyền thông, cổng thông tin điện tử, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể đã thường xuyên đăng tin, tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin, cổng thông tin điện tử, website, mạng xã hội, qua đó giúp người dân hiểu thêm về các quy định của pháp luật, các phương thức, thủ đoạn, các vụ án, kết quả công tác đấu tranh, xử lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa và răn đe tội phạm.

Báo chí, truyền thông góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” -0
Trung tá Phan Đăng Trường, Trưởng Ban Thời sự- chính trị Báo CAND trao đổi về công tác tuyên truyền góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Điển hình, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện 262 sản phẩm báo chí; Thông tấn xã Việt Nam đăng hơn 2.000 tin, bài tuyên truyền; Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, phóng sự về thủ đoạn, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen” và kết quả công tác đấu tranh của lực lượng chức năng, nhất là hình thức cho vay trực tuyến; Báo CAND đăng 200 bài liên quan; Báo Tiền Phong phối hợp Ngân hàng Agribank thực hiện chương trình tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các phương tiện truyền thông của Quân đội viết, thực hiện nhiều tin, bài, bình luận, phóng sự, chương trình liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”… 

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức đoàn thể các cấp, cơ quan báo chí trực thuộc đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các website, trang mạng xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng nội dung, thuận tiện cho các hội viên, đoàn viên, công nhân, người lao động trong tiếp cận thông tin liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tại buổi toạ đàm khoa học “Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ‘tín dụng đen’” do Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tổ chức, trao đổi về tăng cường hiệu quả phối hợp trong thông tin, tuyên truyền, Trung tá Phan Đăng Trường, Trưởng Ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND cho biết, các loại hình báo chí của Cục truyền thông CAND đã và đang tăng cường phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự nói chung và Công an các đơn vị, địa phương trong thông tin, tuyên truyền đường lối chính sách, Chỉ thị 12/CT-TTg, các văn bản hướng dẫn liên quan đến “tín dụng đen”. 

Cũng theo Trung tá Phan Đăng Trường, việc tuyên truyền có hiệu quả phải đưa ra nhiều góc độ như: Khi phóng viên báo chí phát hiện vụ việc có dấu hiệu đòi nợ thuê, đổ chất thải… đã nhanh chóng thông tin trên báo. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan Công an xác minh, điều tra; thông tin phản ánh kịp thời kết quả đấu tranh các vụ án liên quan đến tội phạm “tín dung đen”, điển hình mới đây tuyên truyền vụ án bắt giữ ổ nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, chuyên đòi nợ thuê ở Thanh Hóa, Thái Bình…; đi sâu vào các vụ án cụ thể để tuyên truyền về phía gia đình, tổ chức khi vướng vào “tín đụng đen” để lại hậu quả như thế nào? Làm rõ hành vi thủ đoạn của đối tượng, thực hiện theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương, lực lượng chức năng, chuyên gia để người dân phòng ngừa…

Thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, một trong 6 kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an lên Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đề nghị các đoàn thể triển khai, đó là về công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương. Các hình thức tuyên truyền phải sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân. Nội dung tuyên truyền phải đi trước một bước, dự báo tình hình, cảnh báo sớm phương thức thủ đoạn mới về hoạt động “tín dụng đen” có thể xảy ra tại địa bàn, lĩnh vực. Đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động… gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. 

Đề nghị các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, quản lý đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen".

Hoàng Nhật
.
.
.