Án mạng đau lòng xuất phát từ chuyện vay nợ

Thứ Ba, 30/11/2021, 22:00

Xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần, không ít trường hợp người cho vay vì uất ức đã trực tiếp “xử” con nợ. Trong những mối quan hệ tài chính phức tạp, cho ai vay hay vay của ai thường là ngọn nguồn của mọi bi kịch.

Ngày 28/11, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội) nhận được tin báo tại trước cửa một ngôi nhà trong ngách 53/103 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, xảy ra vụ đánh nhau gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Nạn nhân là anh Nguyễn Quang H. (SN 1982, trú tại phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên), còn đối tượng gây án là Trần Đức Kiên (SN 1992, cũng trú tại phố Đức Giang). Nguyên nhân vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn nợ nần.

Án mạng đau lòng xuất phát từ chuyện vay nợ -0
Đối tượng Trần Đức Kiên sau khi gây án cũng phải điều trị vết thương tại bệnh viện.

Theo tài liệu của cơ quan Công an, anh H. có vay của Kiên khoảng 10 triệu đồng, đã trả được 4 triệu đồng, số còn lại chưa trả. Do đòi tiền anh H. không được, Kiên đã nhiều lần tìm anh H. chửi bới, đòi nợ. Khoảng 14h ngày 28/11, anh H. đến cửa nhà Kiên to tiếng, chửi bới bố mẹ Kiên. Lúc này, Kiên không có ở nhà. Sau đó, Kiên gọi điện thoại cho anh H. lời qua tiếng lại, chửi bới, thách thức nhau.

Khi về đến nhà, Kiên đã mang theo 2 con dao nhọn đến trước cửa nhà anh H. Thấy vậy, anh H. từ trong nhà đi ra, một tay cầm dao, một tay cầm gậy bóng chày. Lúc này, cả hai chửi bới và lao vào đánh nhau. Trong lúc ẩu đả, Kiên dùng dao đâm vào người anh H., khiến nạn nhân tử vong. Bản thân Kiên cũng bị đứt ngón tay giữa. Kiên bỏ chạy và đến bệnh viện để khâu rửa vết thương, sau đó đến Công an quận Long Biên đầu thú.

Ngày 25/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Đinh Khắc Quý (SN 1992, trú tại TP. Vinh, Nghệ An). Đinh Khắc Qúy bị tòa tuyên án 16 năm tù và phải bồi thường cho bị hại hơn 1 tỷ đồng, y án sơ thẩm. Điều đáng nói là bị cáo đã gây án vì bức xức trong quá trình đòi nợ. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, Quý và anh Phạm Ngọc S. (SN 1994, ngụ TP.Vinh) là đồng nghiệp làm chung trong một doanh nghiệp ở TP.Vinh. Tháng 3/2020, Quý cho anh S. vay 2,5 triệu đồng. Sau nhiều lần bị Quý đòi nợ, anh S. hứa sẽ trả tiền vào chiều 6/7/2020.

Chiều 6/7/2020, Quý chở em trai đến gần công ty anh S. làm việc để lấy tiền. Hai bên gặp nhau và xảy ra xô xát, cãi vã, được những người xung quanh can ngăn. Sau đó, Quý chạy lại xe máy, cầm chai xăng (mua về cho mẹ) hất thẳng vào người anh S. rồi châm lửa đốt. Anh S. bị bỏng nặng, tổn hại 68% sức khỏe. Sau khi gây án, Quý đến Công an đầu thú.

Có thể thấy, ở cả hai vụ án trên, đối tượng gây án đều là những người cho vay, dù số tiền cho vay không nhiều, nhưng do bức xức vì nhiều lần đòi nợ không được và thái độ của người vay nợ nên họ đã không kìm nén được bản thân, có những hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả đau lòng.

Với các nạn nhân trong những vụ án này, do cách ứng xử chưa hợp lý trong việc vay nợ và trả nợ mà họ đã phải trả cái giá quá đắt là tính mạng và sức khỏe. May mắn giữ được tính mạng nhưng nạn nhân S. bị tổn hại đến 68% sức khỏe, không còn khả năng lao động, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân giúp đỡ.

Một điều tra viên cho biết, vay nợ là quan hệ dân sự diễn ra bình thường, vì ai cũng có lúc khó khăn, cần có một khoản tài chính nào đó (vượt khả năng mình đang có) để chi tiêu, giải quyết công việc cần thiết. Tuy nhiên, sau khi vay, người vay nên có kế hoạch trả nợ và trả triệt để món nợ đã vay. Nếu thực sự quá khó khăn, chưa có khả năng trả nợ thì phải có thái độ hợp lý với người cho vay. Về phía người cho vay, trong quá trình đòi nợ, nên tránh những hành động gây bức xức về tâm lý cho cả hai bên, vì nếu vượt quá giới hạn, có thể người cho vay sẽ vi phạm pháp luật.

N. Quang
.
.
.