Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện

Thứ Tư, 24/11/2021, 10:43

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức  sáng 24/11, tại Hà Nội, báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày, nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới, hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, sáng tạo, hiếu học, tình nghĩa, hòa hiếu, khoan dung...

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Sau 35 năm đổi mới, việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện -0
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị 

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hoá công sở, văn hoá gia đình...

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến tốt hơn cả về nhận thức và hành động, thể hiện ở văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa ba lĩnh vực: Gia đình - Nhà trường - Xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ được coi trọng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra những hạn chế chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện -0
Toàn cảnh hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; xác định phát triển văn hoá và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hoá theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại. 

Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hoá, văn nghệ, khoa học phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước.

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới. Xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hoá gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước.

Đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hoá quốc tế, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.

Thảo Vy-Nhật Minh
.
.
.