Xác định rõ tiêu chí để tránh lạm dụng, tràn lan trong thu hồi đất
Sáng 22/9, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
Thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với các dự án được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.
Về việc này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với dự thảo, vì theo Nghị quyết 18, Nhà nước chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do đó, cần phải quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Qua đó, nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, quy định Nhà nước thu hồi đất với "dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại" sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. "Do đó, việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 69), thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Không nên quy định thu hồi các dự án trên 80% người dân có đất đồng ý
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị từ rất sớm của Cơ quan soạn thảo và các cơ quan tham gia xây dựng dự án luật, đồng thời khẳng định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
"Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, giàu lên cũng từ đất, nghèo đi cũng từ đất; tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại 60-70% là từ đất đai, hay "cạn tàu ráo máng", mất tình làng nghĩa xóm, anh em trong nhà, thậm chí tham nhũng, tù tội cũng là từ đất đai...", Chủ tịch Quốc hội viện dẫn và đề nghị các cơ quan thấy rõ trách nhiệm của mình, "cố gắng gấp bội" để đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật.
Liên quan vấn đề thu hồi đất, dẫn ví dụ dự thảo quy định trường hợp thu hồi các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng như vậy là không được. Bởi, dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, quy định như vậy là chung chung, không đúng tinh thần của Hiến pháp và chủ trương của Trung ương.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ nguyên tắc, tiêu chí của trường hợp thu hồi đất các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý, gắn với điều kiện diện tích đất thu hồi. Khẳng định đây là dự án luật mà tiếp xúc cử tri lần nào nhân dân cũng có kiến nghị phản ánh, là dự án luật cả xã hội đang mong đợi, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, cần luật hoá tối đa, hạn chế các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.
"Rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi để chính xác, phù hợp, tránh lạm dụng trong thực tiễn. Cân nhắc việc Nhà nước thu hồi đất đối với "dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại", trường hợp này cần áp dụng cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18", bà nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế.