Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành đô thị thông minh

Thứ Sáu, 12/08/2022, 08:00

Nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, được xác định là 1 trong 3 cực phát triển của vùng, những năm qua, Vĩnh Phúc đang tập trung khai thác tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý để phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành đô thị thông minh, phát triển xứng tầm đô thị quan trọng của cả nước.

Tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút đầu tư

Với lợi thế địa lý không phải địa phương nào cũng có được, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng về công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng Thủ đô, tỉnh đang tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics với trọng tâm là Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và hạ tầng đô thị.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành đô thị thông minh -0
Vĩnh Phúc đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai các gói hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết, trong tháng 7/2022 đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 8 dự án, trong đó có 5 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 8,54 triệu USD và 3 dự án DDI với vốn đầu tư đăng ký 201,75 tỷ đồng; đồng thời cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 18 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 7/2022 là 26,54 triệu USD và 201,75 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2022, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 14 dự án FDI mới và 20 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 235,11 triệu USD (cấp mới: 134,04 triệu USD; tăng vốn: 101,06 triệu USD), bằng77% so với cùng kỳ năm 2021 và 78% kế hoạch năm 2022; thu hút 08 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 432,61 tỷ đồng, bằng 9% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 62% so với kế hoạch năm 2022.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành đô thị thông minh -0

Đến nay, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc là 432 dự án, gồm 90 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 22.446,09 tỷ đồng và 342 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.624,89 triệu USD; trong đó: 380 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 87,8% tổng số dự án; 12 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 2,7% tổng số dự án; 32 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 7,3% tổng số dự án; 5 dự án đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm 1,3% tổng số dự án và 4 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 0,9% tổng số dự án. Vốn thực hiện tháng 7/2022 của các dự án đạt 36,7 triệu USD và 20 tỷ đồng.

Ban Quản lý các khu công nghiệp cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN; tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao tại Quyết định số 529-QĐ/TU. Cụ thể, Ban đã làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án FDI, DDI; hoàn thiện chủ trương đầu tư KCN Phúc Yên; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và thành lập KCN Nam Bình Xuyên; triển khai cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng tại các KCN Khai Quang, Bình Xuyên, Sơn Lôi, Nam Bình Xuyên, Bá Thiện II, Sông Lô I...Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự trong các KCN; đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho các doanh nghiệp (DN). Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ 6/7 điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, quy hoạch, phát triển các KCN, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đến chân hàng rào KCN, bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các DN.

Dự kiến trong tháng 8/2022, Ban Quản lý sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15-20 triệu USD và 3-4 dự án DDI với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án. Đồng thời dự kiến có thêm 3-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 30-35 triệu USD và các dự án DDI đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Ban Quản lý cho biết, tiếp tục chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các KCN: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I-khu vực 2; Nam Bình Xuyên để thực hiện khởi công xây dựng dự án như tiến độ nhà đầu tư đã cam kết; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với các KCN: Phúc Yên, Đồng Sóc và Chấn Hưng theo chỉ đạo của UBND Tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong thời gian tới. Cùng với đó, Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư để nhanh chóng triển khai dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp, đồng thời thu hút nhà đầu tư mới.

Hiện đã có trên 723 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 6.872 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.563 tỷ đồng, tăng 14,27% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chăn nuôi quy mô tập trung với những sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng tốt cho thị trường thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển đồng đều, nhiều cơ sở kinh doanh hiện đại được đầu tư; các dịch vụ vận tải kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành đô thị thông minh -0
Việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá của Vĩnh Phúc.

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho  biết, UBND tỉnh luôn lắng nghe ý kiến của DN, trao đổi để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc một cách tốt nhất. Tại cuộc làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc về tình hình cung cấp điện, tiến độ triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung nhân lực phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án. Các ngành, đơn vị, địa phương cần linh hoạt đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Chia sẻ về những nỗ lực cải tiện môi trường đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, huyện Yên Lạc đã xây dựng Đề án tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ những cơ chế, chính sách cản trở phát triển các nguồn lực, trọng tâm là các cơ chế, chính sách cản trở trong lĩnh vực đất đai, thủ tục thu hút đầu tư và cơ chế chính sách xã hội hoá. Cùng với đó, định kỳ hoặc đột xuất UBND huyện tổ chức nghe các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện và chỉ đạo giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huyện rà soát và cắt giảm một số hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn.

Để giữ vững và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, UBND huyện Yên Lạc tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ DN người dân phòng chống dịch, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra bộ máy chính quyền thân thiện, chuyên nghiệp; chuyển nhận thức và hành động từ quản lý DN sang hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ DN các thủ tục về thuế, cắt giảm các thủ tục hành chính còn rườm rà, không phù hợp, chồng chéo trong đầu tư, kinh doanh cho các DN. Với các dự án có tính khả thi cao nhưng gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án. Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DN, hộ kinh doanh, quảng bá hình ảnh tiềm năng, thế mạnh để thu hút các DN về đầu tư tại huyện.

Tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, huyết mạch về giao thông

Theo TS, KTS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, kết nối hiệu quả trong vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đang xây dựng Đề án Đô thị thông minh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu phát triển hệ thống đô thị Vĩnh Phúc theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững. Thực tế hiện nay, Vĩnh Phúc có đủ điều kiện để xây dựng thành công đô thị thông minh gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mô hình phát triển đô thị thông minh Vĩnh Phúc gồm 5 lớp sẽ được triển khai đồng thời.

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành đô thị thông minh -0
Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
KCN_Ba_thien_2_huyen_Binh_Xuyen_-1660228950083.jpg
KCN Bá thiện 2, huyện Bình Xuyên.

Trong đó, có hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm quy hoạch, xây dựng và phát triển hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, tối ưu hóa hệ thống điều hòa tự nhiên. Quy hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, đa phương thức kết hợp với thu thập, phân tích số liệu, vận hành tự động trên nền tảng số. Đối với không gian đô thị sẽ phát triển đa chức năng, hỗn hợp, xanh, sinh thái. Đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT. Cùng với đó là phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề như quản lý giao thông, an ninh trật tự, cấp điện nước..., mà cần được hiểu ở tầm cao hơn.

Đến nay, hạ tầng các khu du lịch như Đại Lải, Tây Thiên, Tam Đảo được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, huyết mạch về giao thông để thu hút đầu tư và lưu thông hàng hóa.

06-1660228913343.jpg

Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hệ thống quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 theo hướng kết nối liên thông với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội. Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sẵn có kết nối với thủ đô Hà Nội như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Quốc lộ 2 và Quốc lộ 2C; cầu Vân Phúc qua sông Hồng, đường từ Phúc Yên đi Sóc Sơn, kết nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 5, Vùng Thủ đô; triển khai dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh. Khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc hiện nay đang được định hình trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các phân khu. Tập trung khai thác tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các khu đô thị sinh thái, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao để thu hút du khách trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống và nghỉ dưỡng.

Đây là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối; đồng thời là giải pháp ưu việt nhằm mang đến nhiều tiện ích, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với đó là tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong việc giải quyết các vụ việc của các cấp chính quyền.

Quá trình xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó mỗi khu vực đều có giải pháp đặc thù để phát triển riêng biệt…

Việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá của Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và đặc biệt là cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống xã hội, hình thành những đô thị đáng sống, đem lại hạnh phúc cho chính người dân.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng gần 10%

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, 7 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 21.805 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 18.247 tỷ đồng, bằng 66,76% so với dự toán và tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thuế, ngành Tài chính và các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách. Trong đó, Cục Thuế tỉnh đã tích cực triển khai hóa đơn điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp không phải trực tiếp đến cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục về thuế, thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế. Cục Thuế tỉnh cũng chủ động phối hợp với ngành Tài chính và các ngành, địa phương tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; giao nhiệm vụ thu hằng tháng, hằng quý cho từng đơn vị; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, rà soát từng nguồn thu, từng sắc thuế để bảo đảm thu kịp thời, thu đúng, thu đủ, sát với thực tế phát sinh. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu ngân sách HĐND tỉnh giao là 31.892 tỷ đồng trong năm 2022, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Thuế, Tài chính và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu ngân sách Nhà nước; chú trọng triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất kinh doanh; quản lý chặt chẽ các khoản thu - chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến con người, an sinh xã hội, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ đọng chế độ, chính sách trên địa bàn.

Lưu Hiệp
.
.
.