Việt Nam được xem là viên ngọc mới trong khu vực về khởi nghiệp sáng tạo
Ngày 30/5, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC, Bộ KH&ĐT) công bố khai trương 2 văn phòng mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức hội thảo: “Tam giác vàng khởi nghiệp” khu vực Đông Nam Á: Việt Nam - Singapore -Indonesia và ảnh hưởng của chúng đối với làn sóng tăng trưởng tiếp theo của khu vực.
Trong “tam giác vàng khởi nghiệp”, Việt Nam đã trở thành viên ngọc mới của khu vực khi vươn lên nằm trong bảng xếp hạng cùng với các nước dẫn đầu khu vực như Singapore và Indonesia với mức vốn đầu tư cao kỷ lục lên tới 1,4 tỷ USD rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2021, cao hơn 1,6 lần so với con số 874 triệu USD trước đó vào năm 2019.
Ông Vũ Quốc Huy- Giám đốc NIC cho biết, năm 2021 là năm phát triển rất mạnh mẽ đối với các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Vốn đầu tư đổ vào các doanh nghiệp khởi nghiệp cao nhất từ trước đến nay là 1,4 tỷ USD và các doanh nghiệp mới thành lập trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng 12,3% so với cùng kỳ và tăng 31,9% so với hai năm trước.
Con số này cùng với đà tăng trưởng tích cực của đầu tư nước ngoài cho thấy sự công nhận rõ ràng hơn về tiềm năng của Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp và các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn lên một tầm cao mới, kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Tiềm năng của Việt Nam được đánh giá dựa trên tầng lớp tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ và có học thức gia tăng cùng với với nhu cầu ngày càng cao về công nghệ kỹ thuật số sau đại dịch.
Theo đó, tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm; Lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, với 70% dân số dưới 35 tuổi trên tổng 98 triệu người. Tỷ lệ biết chữ khoảng 95,4% - một trong những tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á.
Yếu tố thứ ba góp phần vào tiềm năng của Việt Nam là nhu cầu kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ sau đại dịch. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% đến từ các khu vực phi đô thị tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021.