Vị trí địa chính trị mở ra cánh cửa lịch sử cho Việt Nam

Chủ Nhật, 04/09/2022, 10:04

Đó là nhận định của ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia phân tích chính trị - thời sự quốc tế, Chủ tịch Quỹ nghiên cứu Khoa học “Ý tưởng Á - Âu”, khi tới thăm Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow (Incentra) ở Thủ đô Moscow (Nga) nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022).

Ông chia sẻ, Trung tâm Incentra là biểu tượng hữu hình cho sự hợp tác song phương giữa hai nước, và cũng là minh chứng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực trong thế giới đương đại giai đoạn vừa qua.

to_hop-1662260821792.jpg
Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow (Incentra) tại thủ đô Moscow.

Theo chuyên gia Grigory Trofimchuk, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, trên thực tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực trong thế giới đương đại giai đoạn vừa qua. Trước hết có thể nói tới những đóng góp của Việt Nam trong đảm bảo môi trường an ninh, ổn định trên thế giới. Việt Nam đã 2 lần giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), qua đó cho thấy uy tín rất lớn của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và ở châu Á nói chung.

Chuyên gia Nga tin tưởng ngay cả khi kết thúc nhiệm kỳ của mình tại HĐBA, Việt Nam vẫn sẽ tích cực thể hiện vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và sẽ tiếp tục được đề cử vào các vị trí khác trong hệ thống an ninh thế giới. Đánh giá về sự hiện diện kinh tế của Việt Nam tại Liên bang Nga, chuyên gia Grigory Trofimchuk cho rằng, việc Trung tâm Incentra bày bán hàng nghìn mặt hàng “Made in Vietnam” đã cho thấy vị thế kinh tế của Việt Nam trên thế giới đang tăng lên một cách đáng kể. Việt Nam cung cấp ngày càng nhiều hàng hóa xuất khẩu, không chỉ ở Liên bang Nga, mà cả ở các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Để có được thành công này, Việt Nam đang ngày càng thể hiện là nhà cung cấp hàng hóa có trách nhiệm khi đạt được các bước tiến lớn trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Về quan hệ song phương, ông Grigory Trofimchuk khẳng định mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được xây dựng trên cơ sở tình hữu nghị giữa hai dân tộc, kế thừa lịch sử của mối quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam trước đây. Việt Nam là đối tác tin cậy tuyệt đối của Liên bang Nga không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, khu vực châu Á nói chung, mà còn trong cộng đồng thế giới. Theo chuyên gia Trofimchuk, trên cơ sở mối quan hệ song phương tốt đẹp hiện có, Việt Nam cần tăng cường vai trò trong khu vực mậu dịch tự do EAEU. Để làm được điều này, hai nước phải tận dụng các mối quan hệ liên khu vực, thông tin liên lạc trực tiếp giữa các tỉnh của Việt Nam với các chủ thể của Liên bang Nga trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến công nghệ cao.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, chuyên gia Grigory Trofimchuk đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi vượt qua áp bức thuộc địa, chiến thắng trong nhiều cuộc chiến để giành lại độc lập, mở ra giai đoạn phát triển tích cực cho tới ngày hôm nay. Để có được thành tích đó không thể không kể đến vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giành độc lập cho đất nước.

Theo chuyên gia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và hiệu quả những luận điểm, tuyên ngôn của vị Chủ tịch nước đáng kính đầu tiên để lãnh đạo đất nước ngày càng gặt hái được nhiều thành tựu trên trường quốc tế. Theo chuyên gia Grigory Trofimchuk, Việt Nam có vị trí trung tâm đối với sự phát triển chính trị và kinh tế của Đông Nam Á, đồng thời cũng đối mặt với không ít thách thức có thể gây bất ổn an ninh khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chính vị trí địa chính trị này đang mở ra cho Việt Nam một cánh cửa lịch sử để phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế, và Việt Nam cần tận dụng những cơ hội này.

Chia sẻ quan điểm trên, trong bài viết được đăng tải trên chuyên trang phân tích chính trị của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây, bà Valeria Vershinina, chuyên gia Việt Nam học đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga, đánh giá cao vai trò và tiềm năng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nga. Bài viết khẳng định Việt Nam được giới học giả quốc tế đánh giá là “cường quốc tầm trung” và cần phải lắng nghe ý kiến của “con hổ châu Á” này trong các vấn đề quốc tế. Chuyên gia Valeria Vershinina đánh giá cao tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam bất chấp những sóng gió của kinh tế thế giới.

Theo tác giả, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia vẫn duy trì được hoạt động kinh tế đối ngoại và động lực tăng trưởng tích cực kể cả trong điều kiện đại dịch toàn cầu và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Theo nhiều dự báo, năm 2022, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể dao động từ 5,5% đến 6,7%, qua đó cho thấy sự ổn định của mô hình phát triển kinh tế Việt Nam. Với một nền kinh tế mở, Việt Nam chủ động xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới (đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê và gạo), thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (năm 2021, tổng FDI lên tới 31,15 tỷ USD) và hiện đã tham gia 17 hiệp định thương mại.

Về chính sách đối ngoại, chuyên gia Valeria Vershinina nhấn mạnh những thành tựu đáng kể của Việt Nam thời gian gần đây như đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (năm 2019). Đáng chú ý, bất chấp khó khăn do đại dịch, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN, mở rộng đáng kể chương trình nghị sự của hiệp hội này và hoàn tất đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.