Vì sao khu đất xây dựng trường đua F1 bị "đòi" lại?

Thứ Năm, 28/10/2021, 09:50

Mới đây, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã gửi văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu TP Hà Nội trả lại toàn bộ diện tích đất, vốn được trưng dụng để xây dựng trường đua F1. Việc huỷ tổ chức Giải đua xe F1 chặng Hà Nội năm 2022-2029 và tháo dỡ các hạng mục của đường đua gây thiệt hại rất lớn về kinh tế một lần nữa lại được dư luận quan tâm.

Quy hoạch chi tiết đường đua công thức 1 - Grand Prix Hà Nội chồng lấn quy hoạch, chồng lấn sử dụng đất

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, ngày 18/10, cơ quan này đã nhận được văn bản của lãnh đạo Khu LHTT Mỹ Đình báo cáo tiến độ thực hiện Kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP về việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTT Mỹ Đình.Tại báo cáo nêu trên, Khu LHTT Mỹ Đình đề nghị Tổng cục Thể dục Thể thao báo cáo Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi UBND TP Hà Nội chuyển trả lại khu đất có ký hiệu 1B cho Bộ này để xây dựng các công trình thể thao phục vụ SEA Games theo đúng quy hoạch.

Liên quan khu đất nêu trên, theo điều chỉnh quy hoạch được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2013, Khu LHTT Mỹ Đình có tổng diện tích hơn 170ha, trong đó phần diện tích phần đất quy hoạch dành cho khu thể thao trong nhà (ký hiệu 1B) có diện tích 12,86 ha. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã lấy lô đất 1B nêu trên để xây dựng đường đua ôtô công thức 1.

Theo kết luận của TTCP, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết đường đua công thức 1 - Grand Prix Hà Nội có sự chồng lấn quy hoạch, chồng lấn sử dụng đất tại một số vị trí so với quy hoạch phân khu Khu LHTT Mỹ Đình. Tại các vị trí đất có sự chồng lấn quy hoạch, chồng lấn sử dụng đất, thực tế hiện nay đã được UBND TP giao cho các cơ quan thuộc UBND TP quản lý và đã được sử dụng để thực hiện xây dựng phân khu 1 - Công viên cây xanh kết hợp một số công trình phụ trợ phục vụ giải đua xe công thức 1. "Việc này chưa đảm bảo nguyên tắc quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công" - thông báo kết luận (ban hành ngày 29/6/2021) của TTCP nêu rõ.

Vì sao khu đất xây dựng trường đua F1 bị
Hiện trạng diện tích đường đua F1 bị đề nghị trả lại phục vụ SEA Game. Ảnh: Phong Sơn

Tiếp đó, ngày 18/9/2019, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 1088 về kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo công tác chuẩn bị phục vụ Giải Đua xe công thức 1. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Nam Từ Liêm "thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất 3A1, 3A2 (tổng diện tích khoảng 11,86ha) để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý thực hiện các dự án phục vụ SEA Games; kinh phí thực hiện được ứng từ quỹ đầu tư phát triển TP...".

Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, trong báo cáo tiến độ thực hiện kết luận của TTCP, Khu LHTT Mỹ Đình đề nghị cơ quan quản lý cấp trên "đòi lại" khu đất có ký hiệu 1B do ngày 25/6/2021, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc hủy tổ chức Giải đua xe F1 chặng Hà Nội năm 2022-2029.

Tháo dỡ đường đua F1, ai thiệt hại nhiều nhất?

Thời điểm khởi công xây dựng đường đua F1 vào ngày 20/3/2019, UBND TP Hà Nội kỳ vọng, sau khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục của đường đua vào tháng 3/2020, đường đua sẽ chính thức đón chặng đua đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 4. Đường đua Công thức 1 tại Hà Nội (F1 Hà Nội) và các công trình chức năng khác được xây dựng trên tổng diện tích 88ha trong khuôn viên của khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng, chạy qua các phố: Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ…

Đường đua tại Hà Nội do Công ty thiết kế và tư vấn Tilke của Đức phối hợp cùng Tập đoàn Formula 1 tổ chức thiết kế, với chiều dài một vòng là 5.565m, gồm 22 góc cua và đặc biệt là đoạn đường thẳng dài tới 1.500m. Đây được coi là trường đua có đoạn thẳng dài nhất thế giới, với hy vọng giúp các tay đua đạt tới tốc độ 335km/h. Một số công trình chức năng cùng các hạng mục hỗ trợ; trung tâm điều hành, đường thay lốp (Pit), khu vực hỗ trợ đường đua, khu nhà ở vận động viên… được xây mới và cố định trong khu vực được lựa chọn. Trong khi đó, một số khán đài ở các góc đua sẽ được thiết kế và xây dựng theo hướng "mở" theo chiều dọc đường đua và có thể di động được.

Tập đoàn F1 cho biết, khi đi vào vận hành, đường đua F1 sẽ trở nên "độc đáo" nhất thế giới, khi là sự kết hợp giữa đường đua xây mới (trường đua) và đường phối công cộng, điều mà các đường đua Monaco, Singapore… không có.

Việt Nam Grand Prix - một công ty thuộc Tập đoàn VinGroup được TP Hà Nội trao quyền tổ chức và kinh doanh ở chặng đua F1 tại Hà Nội, trong vòng 10 năm theo kí kết với FIA. Cụ thể, theo hợp đồng, TP Hà Nội sẽ là địa phương đăng cai giải đấu nhưng sau đó TP chuyển giao cho Công ty Grand Prix Việt Nam đứng ra tổ chức. Hợp đồng sẽ có thời hạn 10 năm từ 2020- 2030 và được gia hạn ở mùa giải thứ 8. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng thông tin, toàn bộ kinh phí tổ chức F1 tại Hà Nội không được dùng tiền ngân sách nên được xã hội hóa 100%. Tập đoàn Vingroup sẽ đứng ra lo toàn bộ chi phí để đưa giải đấu về Việt Nam, thiết kế đường đua, chi phí tổ chức hàng năm… Tuy nhiên, Vingroup không tài trợ toàn bộ mà sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức và kêu gọi các nhà đầu tư. Ngoài chi phí ban đầu dự kiến 60 triệu USD, các chuyên gia dự đoán tổng chi phí toàn bộ dự án này sẽ rơi vào con số "khủng" 1 tỷ USD.

T.Linh
.
.
.