Cầu truyền hình Khúc tráng ca hòa bình:

Tổ quốc mãi mãi khắc ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ

Thứ Tư, 27/07/2022, 22:06

Tối 27/7, chương trình cầu truyền hình đặc biệt Khúc tráng ca hòa bình và gặp mặt các nhân chứng lịch sử kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ đã diễn ra tại 6 điểm cầu trên cả nước.

Dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tổ quốc khắc ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ! -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự chương trình.

Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.

Dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Bình Định có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tại điểm cầu tỉnh An Giang có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" là chương trình đặc biệt khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Những thế hệ đã đi qua cuộc chiến hay những người được hạnh phúc sống trong hòa bình, kể cho nhau nghe về những con người dũng cảm, bất khuất đã làm nên chiến thắng. Chương trình diễn ra tại các điểm cầu gồm tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), đền Bến Dược (TP Hồ Chí Minh), nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam), đền thờ liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) và nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang.

Tổ quốc khắc ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ! -0
Một tiết mục tại Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”. Ảnh: TTXVN.

Chương trình gồm 3 chương đã đưa khán giả đến với vào những câu chuyện lắng đọng, ấm áp.

Chương 1 mang tựa đề “Những dấu chân hòa bình” mang thông điệp: Dân tộc ta từ bao đời nay cứ mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp các thế hệ lại sẵn sàng lên đường đánh giặc.  

Chương 2 có chủ đề “Bài ca không quên” là câu chuyện kể về những con người đã đi qua mất mát của chiến tranh, đường về của những “dấu chân hòa bình”. Có người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất hàng chục năm sau đó mới có thể đoàn tụ được với người thân, có người mải miết đi tìm đồng đội cũ… Chúng ta không quên ai, chúng ta hôm nay có mặt ở đây để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống mang trong mình “bài ca không quên” về những người con đã ngã xuống vì hòa bình.

Chương 3 “Khát vọng hòa bình” mang đến cho người xem thấu hiểu hơn về cái giá của hòa bình sau quá nhiều mất mát vì chiến tranh. Bởi thế, các thế hệ giờ đây cùng chung tay bảo vệ hòa bình, khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển phồn vinh, mở ra những cơ hội lớn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong…

Mỗi câu chuyện tại các điểm cầu đã mang lại cho người xem những cảm xúc đặc biệt, xen lẫn tự hào. Như câu chuyện tại điểm cầu Hà Nội đã hội tụ tất cả những giá trị hòa bình, đồng thời cũng là câu chuyện của những người con Hà Nội xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Đó là hình ảnh xúc động về những sinh viên nô nức tòng quân vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Họ lên đường ra mặt trận với tinh thần yêu nước ngút ngàn, tình nguyện dấn thân vào chiến trường ác liệt, gian khổ. Điểm nhấn của chương trình còn là những câu chuyện mang nhiều giá trị như: câu chuyện về 33 liệt sĩ đã tìm được danh tính sẽ được công bố; hay chân dung về đội quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia với câu chuyện tìm được hơn 40 hài cốt liệt sĩ trong 6 tháng đầu năm 2022…

Kết thúc chương trình với các ca khúc “Những cánh chim trên mảnh đất hòa bình” và “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” gửi đi thông điệp yêu chuộng hòa bình là khát vọng chung không chỉ của Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Những thế hệ sau sẽ mãi mãi không quên sự hi sinh của những người đã ngã xuống vì hòa bình trên khắp Việt Nam.

Những chiến dịch mà nhắc tên đã thấy trào dâng niềm tự hào: bao máu xương đã đổ, lắng đọng lại thành tên người, tên đất, lấp những hố bom xóa mọi đau buồn. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh cho đất nước trường tồn mãi đến mai sau. Thông qua chương trình, chúng ta hiểu hơn về giá trị của hòa bình, nhắc nhở chúng ta phải sống tốt hơn, sống trách nhiệm hơn để rạng danh đất nước, để chung tay vì cơ đồ, vị thế của Việt Nam.

Phan Hoạt - Phong Sơn
.
.
.