Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều vấn đề nóng mà báo cáo giám sát "bỏ quên"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến tác động nặng nề của đại dịch lâu nay đến đời sống người dân, công nhân, người lao động, tình hình giá cả tăng và đề nghị báo cáo nên làm rõ, phân tích thêm.
Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022.
100% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời.
Cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, UBTVQH với tinh thần chủ động dự báo; chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa; chủ động phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, UBTVQH tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, lần đầu tiên tại phiên họp UBTVQH đã tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm như: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng đẩy giá đất lên cao nhằm trục lợi…
Các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý Nhà nước. Chất lượng việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao. Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Giao thông, vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc…
Số lượt công dân khiếu nại, tố cáo tăng 19 đoàn và 159 vụ việc
Về báo cáo công tác dân nguyện tháng 4/2022, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, nội dung Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống KTXH, định hướng và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về dự kiến các nội dung được Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trong đó một số dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị tại các Kỳ họp trước. Một số chủ trương, dự án có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển KTXH và bảo đảm an ninh quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người nông dân sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Cử tri và Nhân dân cho rằng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua đã góp phần mang lại nhiều thành quả chống dịch cho Việt Nam, tuy nhiên, cần nghiên cứu để hướng dẫn cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 324 lượt với 1.128 công dân đến trình bày 321 vụ việc, trong đó khiếu nại 180 việc, tố cáo 40 việc, kiến nghị, phản ánh 38 việc; có 39 lượt đoàn đông người đến trình bày về 38 vụ việc (tăng 159 vụ việc và tăng 19 đoàn đông người so với tháng trước).
Nhiều nội dung lớn chưa được đề cập
Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều nội dung lớn liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục chưa được đề cập nhiều trong báo cáo. Chẳng hạn, tình hình dịch bệnh hiện tại đã khác rồi, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có hướng dẫn phù hợp; vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Cần đánh giá thêm dư luận quần chúng nhân dân đối với vấn đề đưa học sinh trở lại trường học, vấn đề quá tải, chương trình sách giáo khóa; thi tốt nghiệp PTTH, tuyển chọn vào đại học...
"Một vấn đề rất lớn hiện nay mà báo cáo chưa tập hợp hết là tác động nặng nề của đại dịch lâu nay đến đời sống người dân, công nhân, người lao động; tình hình giá cả tăng, đặc biệt giá xăng tăng rất mạnh dù UBTVQH đã quyết định giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường trong công thức tính giá xăng... Ngoài xã hội nói là "bão giá", thực ra chưa đến mức độ đấy nhưng rõ ràng tình hình giá cả và chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt trong nhóm tiêu dùng của Nhân dân tăng", Chủ tịch Quốc hội nói, cùng với đó việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng lên do đời sống khó khăn; đề xuất của Hội đồng chính sách tiền lương điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong khu vực sản xuất...
Trước lo lắng của cử tri và Nhân dân về sự bất ổn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nghiên cứu, chắt lọc, bổ sung nội dung siết chặt lại trật tự kỷ cương, gia tăng ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, tài chính, tiền tệ mà báo cáo chưa nêu bật được điều này...
Khẳng định trong khiếu nại, tố cáo của người dân chủ yếu liên quan vấn đề đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri và qua báo cáo của Ban Dân nguyện, người dân phàn nàn nhiều liên quan hỗ trợ, bồi thường tái định cư, có những dự án đã làm xong, đi vào hoạt động vẫn khiếu nại, tố cáo. Từ đó ông mong Quốc hội sớm tháo gỡ bằng dự án Luật đất đai (sửa đổi) bởi việc sửa đổi Luật đất đai rất được mong chờ. Ông cũng kiến nghị Chính phủ và Trung ương không tán thành dự án làm cầu đường xuyên qua khu dự trữ sinh quyển tại Đồng Nai bởi nếu cho đường dân sinh đi qua khu vực này thì nguy cơ phá rừng và cháy rừng là hiện hữu...