Kiểm soát giá cả, chống leo thang theo xăng, dầu

Thứ Tư, 06/04/2022, 08:37

Trước áp lực tăng giá xăng dầu, báo cáo tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về công tác dân nguyện, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi điều chỉnh giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng “ăn theo” để trục lợi; đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trước ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sau thời điểm tăng đột biến trong 2 tuần đầu tháng 3, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu ổn định ở mức 110 – 120 USD/thùng trong tuần qua. Tuy nhiên, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh và khó lường, cũng như ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt từ các bên, phần lớn các tổ chức đều đưa ra các nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110 - 130 USD/thùng trong giai đoạn tới và không loại trừ khả năng tăng cao lên mức 150 USD/thùng.

xang_dau-1649209055640.jpg
Giá xăng, dầu tăng gây áp lực lên lạm phát.

“Diễn biến tăng của giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến giá các hàng hóa, dịch vụ có xăng dầu là yếu tố đầu vào, nhất là giá cước vận tải hàng hóa và qua đó tác động gián tiếp nhất định đến các hàng hóa, dịch vụ khác. Tại một số địa bàn, một số mặt hàng có thể sẽ lợi dụng diễn biến của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, “tát nước theo mưa”. Vấn đề này đã được dự báo và Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo kịp thời; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã có ý kiến chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá trong quý I và cả năm 2022”, Bộ Tài chính cho biết.

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, để điều hành giá, Cục phải đánh giá về tình hình diễn biến của giá cả trong từng tháng và từng quý; tính toán các kịch bản để báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo đánh giá để có những giải pháp kịp thời.

“Trong các kịch bản điều hành, bao giờ cũng sẽ có 3 kịch bản, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất. Chính phủ luôn luôn đặt ra vấn đề này, công tác điều hành giá linh hoạt thận trọng và không được chủ quan, cho nên chúng tôi không chủ quan với các diễn biến của tình hình giá cả có tác động đến mặt bằng giá. Chúng tôi đánh giá đến thời điểm hiện nay, yếu tố khó lường nhất vẫn là giá xăng dầu. Trong kịch bản xấu nhất, chúng tôi cũng đã tính đến mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đấy kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đương nhiên khi có tác động như vậy chúng tôi sẽ phải kịp thời báo cáo để có những giải pháp thực thi và có những điều chỉnh linh hoạt”, ông Khôi nói.

Chia sẻ về góc độ quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường giám sát 16.800 cây xăng, kịp thời phát hiện các cây xăng có hiện tượng đóng cửa không bán hàng, bán hàng không đúng thời gian đăng ký với Sở Công Thương, hoặc có hiện tượng bán xăng dầu kém chất lượng…, đã xử lý nghiêm các đối tượng trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu khác quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài chính trong xác định giá, đặc biệt đẩy mạnh kiểm tra bán hàng có niêm yết giá.

“Trong thời điểm này đang có tâm lý sợ hãi, nghĩ rằng giá cả đang tăng rất nhiều, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết được công khai tại các điểm kinh doanh giúp người dân biết rõ giá cả có tăng hay không, cho người dân thấy rằng chúng ta vẫn đang kiềm chế lạm phát. Việc kinh doanh hàng hóa lưu thông trên thị trường vẫn trong định hướng tốt của Chính phủ”, ông Lê nói. Cũng theo ông Lê, để điều hành giá, cần đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo nguyên vật liệu cho các đơn vị sản xuất. Nắm bắt được thị trường, trên cơ sở đó xây dựng chính sách quản lý điều hành về giá để tham mưu cho Chính phủ có những quyết định tốt nhất để ổn định giá cả.

Được biết, tại ý kiến chỉ đạo về công tác điều hành giá năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc, thực hiện 5 nội dung, trong đó yêu cầu Cục Quản lý giá phải xây dựng kịch bản phương án ứng phó  phù hợp với thực tế; ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hà An
.
.
.