Thủ tướng: Cải cách thể chế, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên

Thứ Ba, 12/11/2024, 17:06

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều 12/11, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Thủ tướng thông tin về giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương? ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề cập hiện tượng phân cấp, phân quyền chưa "đúng vai, thuộc bài", chưa đồng bộ trong phân bổ nguồn lực, chất vấn Thủ tướng giải pháp khắc phục là gì?

Lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 Nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở Trung ương.

Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp, phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.

Thủ tướng: Cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, tập trung cho tăng trưởng -0
Thủ tướng trả lời chất vấn, chiều 12/11.

Đối với câu hỏi về cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên giải quyết "điểm nghẽn của điểm nghẽn" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là tăng trưởng, mà muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. "Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp", Thủ tướng chỉ rõ.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng khẳng định, đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc "không có tranh chấp là có thể triển khai được".

Thủ tướng: Cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, tập trung cho tăng trưởng -0
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý.

"Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng Quân đội và Công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ sẽ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này", Thủ tướng thông tin.

Xử lý các dự án chậm tiến độ, tổ chức tín dụng yếu kém

Liên quan câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về nguyên nhân, giải pháp, tiến độ xử lý các dự án chậm tiến độ, các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng cho biết, hiện nay có nhiều dự án tồn đọng kéo dài. Với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã cơ bản xin chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nhấn mạnh kinh nghiệm này sẽ áp dụng cho những cái còn lại, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát lại, xem còn những dự án nào tương tự như thế. "Tinh thần là tôn trọng hiện trạng, về thất thoát, mất mát, ai vi phạm đã xử lý rồi, còn vướng mắc về pháp luật sẽ rà soát, xử lý. Kể cả với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Ô Môn… Phải tôn trọng thực tại, cái đã vỡ rồi thì không thể lành được, chúng ta phải chịu sự mất mát này. Nguyên tắc là như vậy, và cho cơ chế, chính sách để xử lý", Thủ tướng nêu.

Thủ tướng: Cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, tập trung cho tăng trưởng -0
Quang cảnh hội trường.

Đối với 4 ngân hàng "0 đồng", Thủ tướng cho biết, vừa rồi đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng đang làm. "Với ngân hàng SCB, tinh thần chỉ đạo là làm sao cho an toàn hệ thống, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát chặt chẽ tài sản, không để xảy ra thất thoát, có lộ trình thực hiện cho phù hợp", Thủ tướng nói.

Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến việc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự", Thủ tướng cho biết, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật. Những vấn đề mới phát sinh đều khó, cần huy động nguồn lực lớn, do đó cần phải tập trung hoàn thiện thể chế.

"Bởi thể chế là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển nên chúng ta tiếp tục phải hoàn thiện thể chế này, không chỉ có phát triển xanh và tất cả các lĩnh vực phát triển chung của đất nước".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", Thủ tướng cũng cho rằng, trong quá trình triển khai nảy sinh một số việc, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo, "đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên".

Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng. "Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì phải xử lý", Thủ tướng bổ sung.

Quỳnh Vinh
.
.
.