Cải cách thể chế để khơi thông thị trường vốn

Thứ Ba, 07/02/2023, 05:51

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, cần quyết liệt cải cách thể chế. Giải phóng được thể chế sẽ khơi thông được nguồn lực, tận dụng thị trường vốn.

Vốn - điểm ách tắc của nhiều doanh nghiệp

Tại Tọa đàm Nghị quyết 01- giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp (DN) do Báo Người lao động tổ chức chiều 6/2, nhiều DN đã chia sẻ những khó khăn nội tại, đặc biệt là về nguồn vốn. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, nhu cầu vốn đối với toàn ngành du lịch luôn nóng bỏng và hết sức quan trọng.

a.jpeg -0
DN đề nghị giảm lãi suất để phát triển.

Ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15/3/2022, các DN đã trở lại ngay lập tức, kéo theo các chi phí hoạt động, nhân công, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh kết nối thị trường truyền thống và thị trường mới. Cùng với nhu cầu vốn duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cấp cơ sở vật chất, tiếp tục những dự án mới… “Do đó, cũng như những DN du lịch đang vay vốn, chúng tôi cũng mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi giữ nguyên nhóm nợ. Bởi hiện nay theo thông báo của các ngân hàng, không ít DN bị hạ nhóm nợ sau khi hết chính sách hỗ trợ”, ông Tài chia sẻ.

Cũng vướng mắc về vốn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác. Thế nhưng, dòng tiền – yếu tố vô cùng quan trọng đối với DN bất động sản lại đang quá khó khăn.

Bởi vậy, nguyện vọng lớn nhất của DN bất đống sản hiện nay vẫn là khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực này. Đại diện Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.

Trước các ý kiến về vốn của DN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của NHNN là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro. “NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại DN và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn”, ông Lệnh thông tin.

Để doanh nghiệp góp ý vào cải cách thể chế

Theo TS Vũ Tiến Lộc, thực tế đã cho thấy hiệu quả hoạt động của DN phụ thuộc rất nhiều vào các thể chế. Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng của tăng trưởng. “Hai điều cần song hành với nhau là cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế. Trong 3 năm qua, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yếu tố khác, cải cách thể chế của chúng ta chững lại. Dù yêu cầu luôn đặt ra là cấp bách, cần đột phá thể chế”, ông Lộc nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy cải cách thể chế cần cải thiện môi trường kinh doanh, những lĩnh vực nào không cần điều kiện hoặc điều kiện không hợp lý thì cắt giảm. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu đi cùng quản lý rủi ro, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Với hệ thống pháp luật trong đó có Luật Đất đai sửa đổi có thể xem là mở đường để sửa đổi một số luật khác để giảm chồng chéo - cần rà soát tổng thể đồng bộ hơn, minh bạch hơn; các cơ quan cần có văn bản hướng dẫn, tích hợp để đưa ra một văn bản chung, có giá trị cao hơn văn bản trước để áp dụng, để gỡ chồng chéo khi luật chưa sửa kịp.

“Điều quan trọng nữa là trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật, tôi đề nghị cần lấy ý kiến các DN. Vì họ có ý kiến xác đáng mà trong quá trình xây dựng pháp luật, thời gian qua các bộ, ngành chưa theo sát họ để lấy ý kiến. Ngoài ra, cần tách cơ quan soạn thảo chính sách ra các bộ ngành để không phải có trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi. Các bộ phận quản lý trực tiếp chỉ tham gia ý kiến chứ không triển khai trực tiếp”, ông Lộc góp ý.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, khu vực nội địa đang có vấn đề. “Tại sao lại có tình trạng một nền kinh tế tốt nhưng khu vực nội địa, nguồn nội lực tốt lại khó khăn như vậy? Phải làm sao tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa? Về vĩ mô, với những giải pháp cụ thể, tôi cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định, chứ quá cao như hiện nay sẽ rất khó.

Hệ thống khuyến khích cho DN nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu DN; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn”, ông Thiên đề nghị.

Hà An
.
.
.