Thông suốt về nhận thức, quyết liệt giải quyết những vướng mắc khi thực hiện Đề án 06
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đề án 06 và câu chuyện chuyển đổi số phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của tất cả các bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì đơn vị nào. Điều này đặt ra yêu cầu nhiệm vụ rất cao, lãnh đạo các cấp phải thông suốt về nhận thức, chuyển đổi quyết liệt trạng thái, tư duy hoạt động để giải quyết hiệu quả những điểm nghẽn khi thực hiện Đề án 06.
Chiều 14/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban với các bộ, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06.
Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc và định hướng những nội dung chính của hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua. Những kết quả này, theo Phó Thủ tướng là khá toàn diện, có tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống nhân dân, được người dân, doanh nghiệp thực hiện, đồng thuận, đánh giá cao đúng theo phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 4 điểm nghẽn lớn trong quá trình thực hiện và triển khai Đề án 06. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xem là dữ liệu “gốc” hết sức quan trọng, là trung tâm để các dữ liệu chuyên ngành khác xoay quanh, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, Chính phủ.
“Hiện chúng ta đã đi trước một bước khi triển khai hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân trên môi trường số đảm bảo thông suốt. Người dân, doanh nghiệp ngày càng tương tác mạnh mẽ, sôi động trên môi trường mạng và điều đó đòi hỏi các bộ, ngành phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số. Những hệ sinh thái sẽ tiếp tục được xây dựng, phát triển, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội và Chính phủ. Để làm được điều đó, đòi hỏi các bộ, ngành phải cùng nhau “bước đi” đồng bộ và “đi nhanh, đi vững” trong thực hiện Đề án 06 cũng như câu chuyện chuyển đổi số”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ.
Chỉ ra những điểm nghẽn và yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra đối với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, trong hội nghị này các đại biểu cần phải đánh giá sâu, trả lời được câu hỏi “khi nào thực hiện xong”. “Tất cả các bộ, ngành đều phải thực hiện, triển khai thông suốt. Thông suốt về nhận thức và quyết liệt hành động trong giải quyết những vướng mắc thực hiện Đề án 06” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, trên tinh thần “đi thẳng vào từng nhóm việc cụ thể”, đại diện các bộ, ngành đã tập trung thảo luận, đánh giá những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn thực hiện Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 452 và kiểm điểm tiến độ các nhiệm vụ theo lộ trình tại Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đại diện Bộ Tư pháp tham luận về rà soát, xác định những những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất về những văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung báo cáo 3 nội dung liên quan đến công nghệ, khai thác dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn theo hướng dẫn 1552. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những phương án sửa đổi quy định về đấu thầu, bố trí vốn đầu tư công thực hiện Đề án 06 đã được đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chi tiết trước hội nghị. Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, đầu tư, đại diện Bộ Tài chính báo cáo về bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc triển khai Đề án 06; hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đối với nội dung kiểm điểm tiến độ các nhiệm vụ theo lộ trình tại Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo chi tiết và khẳng định tiến độ hoàn thành những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể được giao.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết quả thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua, đồng thời lưu ý những nội dung, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương cũng như đôn đốc việc thực hiện đảm bảo hiệu quả, đúng lộ trình, thời gian đặt ra. Cùng với đó, 2 dịch vụ công liên thông cũng được đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, chuẩn bị tổ chức sơ kết, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai và nhân rộng ra toàn quốc được thông suốt, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu, đáp ứng yêu cầu triển khai liên thông, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, các thành viên trong Tổ Công tác Đề án 06 cũng như bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, những kết quả trên các mặt, lĩnh vực, bộ, ngành đạt được đã minh chứng rõ nét cho điều đó.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đơn vị đã thống nhất lộ trình thực hiện, hoàn thiện pháp luật phải bằng mọi biện pháp để hoàn thành đúng lộ trình. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung kiểm tra đảm bảo an ninh, an toàn hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng báo cáo quá trình chuẩn bị, hoàn thành và đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai tập huấn trên phần mềm trực tuyến, thực hiện dịch vụ công, phục vụ toàn dân, các bộ, ngành, địa phương.
“Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ cũng như từng cá nhân trong tổ luôn sẵn sàng chia sẻ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn nhằm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án 06”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những ý kiến tham luận trách nhiệm, tâm huyết, thể hiện tính cấp thiết, quyết liệt của những nội dung được triển khai tại Đề án 06. Phó Thủ tướng khẳng định, những nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 rất cấp bách, đặc biệt quan trọng, đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị, bộ, ngành phải có nhận thức đầy đủ, quyết liệt. “Việc chuyển đổi số là không thể đảo ngược, phải có sự dẫn dắt, gương mẫu, tiên phong để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả về chuyển đổi số. Vai trò này phải được các bộ, ngành thể hiện rõ nét, hiệu quả hơn nữa”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Biểu dương Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ cũng như một số bộ, nghành đã hết sức quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm rất cao trong việc thực hiện, chỉ đạo, điều hành, định hướng, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số, góp phần đem lại những kết quả cao mang tính toàn diện trong thời gian qua.
Nhấn mạnh quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số phải đảm bảo tính đồng bộ, quyết tâm cao, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chúng ta đã nhận diện được và đề ra những giải pháp thực hiện, giải quyết. Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đối với những nhiệm vụ, vướng mắc, khó khăn trên. Khi những dịch vụ công liên thông trực tuyến được triển khai đồng bộ, ở tất cả các lĩnh vực thì lợi ích mang lại đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội là vô cùng lớn.
Lấy nhiều ví dụ trên lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, dịch vụ công…, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: “Chúng ta đã thể hiện rất rõ vai trò của Đề án 06 và chuyển đổi số đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… Tài nguyên số rất quan trọng với Đề án 06 là tiên phong, bứt phá. Tất cả những nội dung liên quan đến Đề án 06 đều xoay quanh người dân, doanh nghiệp”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành phải nắm chắc những nội dung kết luận tại hội nghị, yêu cầu phải có kế hoạch thực hiện chi tiết, triển khai hiệu quả.
Đánh giá về hạ tầng, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi hiện cơ chế hướng dẫn đảm bảo liên thông, kết nối đã hoàn thiện, thông suốt chưa? muốn vậy, phải đảm bảo về tính pháp lý. Các bộ nào chưa đảm bảo yếu tố pháp lý phải báo cáo sớm, phối hợp chặt chẽ, khắc phục ngay, theo trình tự thủ tục rút gọn.
“Phải thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa, số hóa thủ tục giấy tờ. Ở đây chúng ta đang tập trung trục dữ liệu dân cư, phải thực hiện nghiêm việc này đảm bảo hiệu quả khi thực hiện. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong rà soát, điều chỉnh văn bản, pháp lý có liên quan đến việc thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi nhanh quy trình, những thủ tục hành chính trên môi trường số. Tài nguyên số sẽ tiếp tục hình thành trong quá trình chúng ta triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện nghiêm việc giải quyết hồ sơ trực tuyến, không để chậm, muộn. Rà soát, cắt bỏ những thủ tục gây vướng, khó khăn cho người dân”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số trên các thiết bị điện tử như điện thoại di động. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn chi tiết các sở, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu trong Đề án 06. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, tăng cường xem xét tổng thể kiến trúc, hạ tầng, con người, dữ liệu của các bộ, ngành đang triển khai, từ đó giải quyết chuyên sâu, hiệu quả các nội dung đặt ra. Cần đánh giá toàn bộ dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp, nhất là những dịch vụ công người dân sử dụng nhiều, từ đó tập trung đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí), Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung giải quyết hiệu quả những phần việc cần phải làm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, để nhân rộng ra cả nước, và nhấn mạnh thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Các bộ, ngành cần đi trước một bước về việc rà soát về hạ tầng, dữ liệu, kết nối… để khi triển khai sẽ mang tính đồng bộ, thông suốt. Phó Thủ tướng cũng lưu ý những nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn, kết nối hóa đơn điện tử chống thất thu thuế, phát triển thương mại điện tử…
Tính đến ngày 31/5, có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Đến 23/5, có 776.889 tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 2.571.728 lượt đăng nhập. Tính đến ngày 13/5, đã có 1.025.154 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (đạt tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (đạt tỷ lệ 5,49%); Hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ 83,28%).
Bộ Tài chính đã nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách triển khai giai đoạn 2 từ 1/4/2023. Đến ngày 18/5/2023, đã có 16.814 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 3.623 doanh nghiệp so với tháng 4/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn (tăng 1.604.589 hóa đơn so với tháng 4/2023). Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so với tháng 4/2023). Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai thí điểm toàn trình xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại Cảng hàng không…