Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu

Thứ Ba, 10/08/2021, 08:51

Trong những ngày giãn cách xã hội, với sự điều phối của các Bộ ngành, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân như rau, củ, quả từ các tỉnh lân cận chuyển về TP Hồ Chí Minh tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, với một số mặt hàng ăn liền như mì gói, phở, bún,… mặc dù nhu cầu tiêu dùng cao, nhưng đang thiếu nghiêm trọng tại nhiều hệ thống phân phối.

Lý giải việc thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng mì ăn liền, trong khi đây là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong tình hình dịch bệnh, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân là do bị thiếu một phần gia vị trong sản phẩm nên các doanh nghiệp (DN) không thể sản xuất được. Cụ thể, mì gói có nguyên liệu chính là bột mì và nguyên liệu phụ là các loại gia vị như tỏi, ớt, hành khô, hành sấy… trong khi đó, việc thu mua, vận chuyển hàng nông sản từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh về TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua bị ách tắc, khiến các DN sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Một số DN sản xuất mì ăn liền đã phải thu hẹp sản xuất vì thiếu hành lá. "DN không thể tự ý bỏ một nguyên phụ liệu nào trong thành phần đã được công bố. Nếu bỏ, DN sẽ bị cơ quan quản lý xử phạt", bà Chi giải thích.

Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu -0
 Do nguồn cung bị hạn chế nên các quầy kệ trong siêu thị luôn trong tình trạng thiếu mì gói.

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, việc các DN sản xuất mì gói phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào đã khiến các DN gặp khó khăn khi các nhà cung cấp hương liệu, gia vị... có trường hợp mắc F0. Chỉ cần không nhập được một loại nguyên liệu nào đó, thì khả năng DN ngừng hoạt động là rất lớn. Vì vậy, để không bị ngừng sản xuất, các DN đã đề xuất cơ quan quản lý cho phép DN tìm các loại nguyên, phụ liệu khác thay thế, hoặc điều chỉnh hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm, và việc điều chỉnh này cũng chỉ diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn.

Bà Lý Kim Chi giải thích, theo Luật An toàn Thực phẩm và các quy định liên quan, thì khi DN sản xuất có điều chỉnh khác trên thành phần đã công bố, thì DN phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Trong khi đó, thực hiện việc này mất rất nhiều thời gian và chi phí in lại bao bì rất lớn, nguy cơ các DN phải tạm ngưng sản xuất là rất cao. "Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, rất cần các giải pháp xử lý linh động từ cơ quan chức năng, cho phép DN điều chỉnh nguyên liệu tạm thời, thông báo với cơ quan chức năng bằng văn bản thay vì phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm với thời gian kéo dài và tốn kém chi phí", bà Chi kiến nghị.

Trước khó khăn của DN sản xuất mì gói, ngày 6/8 Ban quản lý an toàn thực phẩm TP (Ban quản lý) đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, Công ty cổ phần Vifon đề nghị được đưa sản phẩm xuất khẩu ra tiêu thụ thị trường trong nước. Với trường hợp này, Ban quản lý yêu cầu DN phải thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn đối với các lô sản phẩm dự kiến đưa ra tiêu thụ và gửi kết quả kiểm nghiệm về Ban Quản lý.

Sản phẩm tuân thủ theo quy định "phải thực hiện tự công bố trước khi lưu hành ra thị trường" và thông tin trên sản phẩm bằng tiếng Việt. Chỉ áp dụng cho các lô sản xuất từ ngày 2/8/2021 trở về trước và chỉ tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh; với Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, DN đề nghị được sử dụng tiếp bao bì sản phẩm hiện tại. Ban quản lý đề nghị trước khi đưa sản phẩm lưu hành trên thị trường, DN phải làm một nhãn mới dán đè lên nhãn cũ trên bao bì, trên nhãn mới phải ghi các thông số trung thực, đúng theo thực tế sản xuất. Việc điều chỉnh chỉ áp dụng đối với sản phẩm sản xuất từ ngày 3/8/2021 đến ngày 30/8/2021 của DN, do có sự điều chỉnh nguyên liệu phụ và chỉ kinh doanh các sản phẩm này tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Lý Kim Chi, các DN sản xuất mì ăn liền của TP Hồ Chí Minh và của Hội Lương thực thực phẩm TP cung ứng ra thị trường khoảng 6 tỷ gói/năm, trong đó Vifon, Acecook là hai DN sản xuất lớn. Không riêng mặt hàng mì gói, thời gian qua Hội cũng nhận được rất nhiều thông tin từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh mì, bún, đậu phụ... thắc mắc không biết có được kinh doanh trong thời gian TP thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ và chỉ thị 12 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh hay không. Bởi, đã xảy ra tình trạng một số nơi được tiếp tục sản xuất, nhưng cũng có một số nơi buộc phải đóng cửa sản xuất vì cho rằng các mặt hàng này không phải là thực phẩm thiết yếu.

Sau khi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Hội đã có công văn gửi phòng kinh tế TP Thủ Đức và các quận, huyện, khẳng định những mặt hàng nêu trên là thực phẩm thiết yếu. Công văn cũng nêu rõ ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng: "Nếu các DN, cơ sở sản xuất đã bảo đảm đủ điều kiện mà chính quyền địa phương vẫn không cho hoạt động thì hãy báo lên UBND TP sẽ chỉ đạo, xử lý".

Liên quan đến việc người dân không được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) lo ngại, công nhân của Vissan làm việc từ 20-21h và giết mổ xong khoảng 2h, sau khi làm xong thì họ về nhà. Còn lực lượng gia công lợn mảnh vào công ty lúc 22h và họ làm việc đến 2-3h. Khoảng 3-4h, thì xe vận chuyển lợn mảnh đưa đến các điểm bán bán lẻ, nhưng lúc này không có ai nhận… Như vậy, quy định trên thật sự gây rất nhiều khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống.

"Vissan kiến nghị cho nhóm lao động đặc thù như bộ phận giết mổ, giao hàng và bán hàng thực phẩm tươi sống, được đi lại bình thường để tạo điều kiện cho DN có công nhân sản xuất, phân phối hàng ra thị trường" - ông An nói.

Thúy Hà
.
.
.