Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, tập trung vào 5 nhóm chuyên đề. Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc…
Chiều 19/10, tiếp tục họp phiên toàn thể, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và phương hướng năm 2024. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QP & AN chủ trì phiên họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho biết, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2024. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công tác này; đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, những tồn tại hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT, đồng thời chỉ ra những phương hướng khắc phục để tham mưu cho Quốc hội có những chính sách đạt được hiệu quả cao nhất trong bảo đảm TTATGT.
Theo báo cáo của Chính phủ nêu rõ, với sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT về cơ bản được đảm bảo, TNGT được kiềm chế và kéo giảm. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn trong các dịp cao điểm đã giảm sâu so với các năm trước.
Bên cạnh đó, số vụ ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe đã được xử lý căn bản. Báo cáo cũng nêu rõ 7 lĩnh vực công tác của Chính phủ nhằm đảm bảo TTATGT gồm công tác chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; công tác thanh tra, TTKS, xử lý vi phạm TTATGT; đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng…
Trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, tập trung vào 5 nhóm chuyên đề. Các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc…
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban QP & AN đánh giá công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được những kết quả quan trọng với chủ đề Năm An toàn giao thông, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về TTATGT, thúc đẩy phát triển giao thông, phát triển kinh tế.
Uỷ ban QP & AN cũng đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT; tán thành với chủ trương về những nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ; đề nghị 7 nội dung nhằm đảm bảo TTATGT những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới, xác định dây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải kiên quyết, triệt để thực hiện…
Phát biểu tại phiên họp, đa số các đại biểu đều nhất trí với báo cáo của Chính phủ, nêu một số kiến nghị để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới như: cần quản lý chặt chẽ phương tiện chở khách, đặc biệt là xe đưa đón học sinh; tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, thông báo vi phạm của cán bộ, viên chức đến cơ quan, đơn vị; kiểm soát chặt chẽ thi sát hạch giấy phép lái xe…
Thiếu tướng Đỗ Văn Yên, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị cần đảm bảo tốt ATGT cho học sinh, trong đó nhà trường, gia đình cần phối hợp để tuyên truyền, giáo dục, quản lý các cháu; bên cạnh đó, có trách nhiệm của Nhà nước về quản lý phương tiện đưa đón phải đảm bảo an toàn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu, cho rằng tình trạng vi phạm hành lang ATGT đang cực kỳ nghiêm trọng gây mất TTATGT. Hiện tại có hơn 16 nghìn trường hợp vi phạm hành lang ATGT, có những trường vi phạm rất nghiêm trọng. Việc vi phạm hành lang giao thông không chỉ mất ATGT mà sau này khi làm đường sẽ rất khó giải phóng mặt bằng, tốn nhiều tiền cho công tác này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn chiếm tới 22,3% trong tổng số vi phạm. Đây là tỷ lệ rất cao. Tình trạng lạm dụng rượu bia rất lớn. Chính vì vậy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được Bộ Công an thực hiện mạnh mẽ, làm thường xuyên, liên tục. Bộ Công an cũng đã tổ chức thành lập 6 tổ công tác đôn đốc, phối hợp với Công an địa phương xử lý nghiêm các vi phạm, đạt được hiệu quả cao. Lực lượng CSGT đã ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật phục vụ đảm bảo ATGT. Theo đó, trung tâm chỉ huy không chỉ giám sát TTATGT mà cũng kiểm soát được toàn bộ hoạt động của CSGT làm nhiệm vụ…
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đảm bảo ATGT, khẳng định, việc CSGT xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn đã tạo ý thức rõ rệt đối với từng người dân khi tham gia giao thông.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nêu rõ, các lực lượng chức năng đang cố gắng cao nhất để giảm TNGT; trong đó, quan trọng là xây dựng ý thức của người tham gia giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm...