Hiến kế giải pháp đảm bảo an toàn giao thông

Thứ Sáu, 13/10/2023, 08:20

Ngày 12/10, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Phiên toàn thể Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2023. Hội nghị được tổ chức hai năm một lần của Ủy ban ATGT Quốc gia, nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Mở đầu phiên họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm nay, hội nghị đã thu hút đông đảo chuyên gia, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về ATGT với 7 lĩnh vực: Quản lý ATGT, hạ tầng và tổ chức giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông (TNGT), ATGT đường sắt, ATGT đường thủy nội địa và hàng hải, kinh nghiệm quốc tế.

Hiến kế giải pháp đảm bảo an toàn giao thông -0
Xây dựng văn hóa giao thông sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hùng nhấn mạnh: Bên cạnh những giải pháp tổ chức thực hiện, luôn cần những giải pháp về chuyên môn và khoa học để đảm bảo ATGT. Từ kết quả của những nghiên cứu sẽ đưa ra được các phương án hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý giao thông hiệu quả hơn. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết thêm, chúng ta cần những thông tin đa chiều để có bức tranh toàn diện, có giải pháp mang tính khoa học thực sự để qua đó xem xét, điều chỉnh quy định pháp luật, bổ sung những hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, giúp việc nâng cao ATGT hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, một trong những nghiên cứu đáng chú ý là các hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT trong học sinh, sinh viên, được tiếp cận từ lý thuyết hành vi. TS Lê Thu Huyền (Trường Đại học GTVT), người có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải và giao thông cho biết, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong TNGT đường bộ, để lại hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề với bản thân người bị nạn và toàn thể xã hội. Do đó, việc áp dụng các biện pháp ATGT cần được thực hiện đồng bộ để thu được hiệu quả triệt để với các thành phần của hệ thống giao thông.

Theo TS Huyền, 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT gồm vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn và ma túy, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Các hành vi nguy hiểm này có phần gia tăng và hậu quả càng đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Vị giảng viên này cũng cho rằng, các giải pháp giải quyết hiện tại không có tác động lớn với nhóm đối tượng này. Tỷ lệ tái phạm sau khi bị xử lý ở nhóm đối tượng này khá cao. Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ đó cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.

Một vấn đề cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm an ninh trật tự, ATGT. Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á - Chi hội Việt Nam, ông Trần Trọng Vinh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các hành vi vi phạm đang là xu hướng cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Trong đó, hệ thống giao thông thông minh (ITS) kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và cơ sở hạ tầng khác. Hệ thống sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông, giúp giảm tắc nghẽn, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và giúp ngành Giao thông Vận tải hoạt động hiệu quả hơn.

"Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm TNGT, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh, an toàn, không có tai nạn", ông Vinh nhấn mạnh.

Hơn 150 chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nghiên cứu về an toàn giao thông

Báo cáo tổng hợp kết quả phiên thảo luận, ông Nguyễn Trọng Thái, Trưởng Tiểu ban Quản lý về ATGT cho biết, Hội nghị năm nay thu hút được gần 160 chuyên gia, nhà khoa học tham gia. Số lượng tham gia tuy không nhiều như những năm trước, nhưng nhiều bài báo, công trình được phát triển từ thực tiễn và các kết quả nghiên cứu khoa học. Do đó, chất lượng các bài báo năm nay được Hội đồng Xét duyệt cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý đánh giá cao, nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến thảo luận của các đại biểu.

Hiến kế giải pháp đảm bảo an toàn giao thông -0
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát trên các cung đường.

Nhiều bài báo đã đưa ra được các đề xuất, giải pháp có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào giao thông như: Vấn đề sử dụng làn ở một số tuyến đường cao tốc khu vực phía Bắc và đề xuất nâng cao hiệu quả tổ chức, ATGT; Các hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT trong học sinh, sinh viên: Tiếp cận từ lý thuyết hành vi; Phương pháp thực nghiệm kiểm tra gia tốc và chuyển vị động của ray trên tuyến đường sắt thống nhất. Một số bài đề cao việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý giao thông vận tải như: Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động vận tải thông qua kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Ứng dụng công nghệ hàng không vào kiểm soát giao thông vận tải; Trí tuệ nhân tạo cách mạng hóa công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Các biện pháp cấp cứu chấn thương trước viện, cứu chữa những chấn thương do TNGT được các nhà khoa học, bác sĩ của các trường, bệnh viện, trung tâm cấp cứu thảo luận nhằm chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm ứng phó sau tai nạn giao thông, giúp giảm thiểu tối đa hậu quả do các vụ TNGT gây ra. Những nghiên cứu về ATGT trên thế giới được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra thảo luận tại hội nghị với mong muốn có thể áp dụng nhằm nâng cao ATGT tại Việt Nam như kinh nghiệm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của người điều khiển xe môtô, xe gắn máy tại châu Âu - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

“Kết quả các phiên thảo luận đã thực sự hiệu quả và mang lại hiệu ứng tốt cho các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định. Đồng thời, ông đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét, nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của các tác giả trong các bài báo, công trình khoa học để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật và ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT.

Phạm Huyền
.
.
.