Tạo đột phá trong thực hiện Đề án 06 về chuyển đổi số
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, với phương châm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, mang tính chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt việc đó, không thể chung chung”.
Chiều 12/7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.
Các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án 06 đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2023.
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Tô Lâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu đại diện cho: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Tập đoàn FPT, Thừa Thiên – Huế…đã báo cáo quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số, kết quả và bài học kinh nghiệm.
Nhấn mạnh về vai trò của hạ tầng số trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, điều này phải được ưu tiên, hiện đại hóa, đi trước một bước như triển khai hạ tầng 5G và điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số, tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin, chuyển đổi số phải dựa trên những nền tảng số của Việt Nam và gợi mở những định hướng xây dựng, phát triển về công nghệ, AI, trợ lý ảo.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Năm 2023 là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Cùng với Bộ Công an, kết quả trên có được nhờ sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả của một số bộ, ngành, địa phương và toàn thể người dân, doanh nghiệp...
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đánh giá sâu về những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương những giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06. Từ kinh nghiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an cho thấy việc xây dựng và tạo lập dữ liệu là vấn đề rất khó khăn, duy trì thường xuyên dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” lại càng khó khăn hơn nữa. Do đó, nếu không có quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo tạo lập và nuôi sống dữ liệu thì khó có thể thực hiện được.
Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao người đứng đầu các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính, số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung để cắt giảm các thủ tục hành chính, không để người dân phải khai báo thông tin nhiều lần; thống nhất thực hiện tạo lập dữ liệu tư pháp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho người dân.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chúng ta đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử, tuy nhiên, còn 18 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị trên bám sát lộ trình đề ra tại Quyết định 422, khẩn trương hoàn thành, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử. Đồng thời, lựa chọn các dịch vụ công thiết thực, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để tập trung các điều kiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bảo đảm chất lượng thực chất các dịch vụ công để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng thực hiện.
“Chúng ta đã công bố 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí chính thức triển khai trên toàn quốc từ 10/7/2023, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến, tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND 63 địa phương chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai, đảm bảo hiệu quả cao nhất”- Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị.
Về việc triển khai tại các địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, những địa phương nào người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo thì hiệu quả mang lại thiết thực. Tổ công tác đã có hướng dẫn cụ thể về 43 mô hình về các tiện ích Đề án 06 (nhưng hiện nay mới có 9 địa phương ký kết kế hoạch với Tổ công tác để thực hiện Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Khánh Hòa, Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Nai). Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa chỉ đạo Đề án này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích, kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023.
Nhấn mạnh, phát triển chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi khách quan, mang tính toàn dân, toàn diện, tổng thể, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng điểm lại những kết quả lớn đã đạt được trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia, đồng thời khẳng định: Những kết quả này đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động về chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất về chuyển đổi số, nhất là cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nguồn lực được đầu tư cả về tài chính, cơ sở vật chất và con người; tạo ra các dịch vụ công tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ phát triển đất nước, kết nối quốc tế; chuyển đổi số góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Khẳng định đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, Thủ tướng đánh giá và phân tích kỹ những tồn tại, bất cập, hạn chế gây ảnh hưởng, cản trở đến việc hoàn thành mục tiêu, kết quả đã đặt ra trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số. Thủ tướng cho rằng việc này phụ thuộc người đứng đầu, quyết định sự chuyển động cả cơ quan, đơn vị, địa phương; nếu không quyết tâm, quyết liệt thì sự chuyển động ở dưới chậm chạp, hiệu quả thấp. Theo Thủ tướng, trong chuyển đổi số, khi người dân, doanh nghiệp càng sử dụng dữ liệu thì dữ liệu càng phong phú, thêm hứng thú để tiếp tục sử dụng, do đó, cần tạo động lực, cảm hứng để người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng.
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu, đòi hỏi khách quan, do đó chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, điểm nghẽn, tư duy bảo thủ và đột phá hơn nữa vì mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, quốc gia, góp phần phát triển quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho tăng trưởng tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công.
Theo Thủ tướng, phải tạo ra đột phá, đó là nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vì nguồn lực có hạn, yêu cầu thì cao, thời gian ngắn, do đó cần tập trung 4 ưu tiên: Phát triển cơ sở dữ liệu là tài nguyên của đất nước, vừa cần thiết, vừa cấp bách; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và an toàn thông tin.
“Vấn đề là làm sao cơ sở dữ liệu ngày càng phong phú, đầy đủ, bao trùm với phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước; xã hội số là xã hội nền tảng của Việt Nam; văn hóa số góp phần cấu thành văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Phải hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, phải triển khai một cách nhân văn, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển”- Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, với phương châm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, mang tính chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt việc đó, không thể chung chung được”; đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải nỗ lực cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư để mang lại lợi ích cho người dân, truyền cảm hứng cho nhân dân thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, bám sát chỉ đạo tại công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 để tổ chức triển khai (tháo gỡ 8 điểm nghẽn với 21 nhiệm vụ cụ thể); hoàn thành 31 nhóm công việc chưa triển khai trong 6 tháng đầu năm 2023.
“Cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản khác, gọn, rõ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra; thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn” – Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VNeID. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, cố gắng hoàn thành trong tháng 7 hoặc 8/2023; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0), hoàn thành trong quý III này.
Thủ tướng giao Bộ Công an sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành hoàn thành thực thi 19 Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát sửa đổi văn bản, thủ tục hành chính có yêu cầu giấy tờ cư trú, làm cơ sở cho địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Chỉ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tích cực làm, nghiêm cấm ban hành các văn bản làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí của người dân, doanh nghiệp; phải tăng cường thanh tra, giám sát việc này.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động; tổ chức triển khai 2 dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc. Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đến cuối năm 2023, có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với ít nhất 10 ứng dụng, tăng trưởng 3-5%/tháng; đẩy mạnh làm giàu thông tin, tích hợp các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID bằng cách cho phép người dân được cập nhật dữ liệu cá nhân lên hệ thống và xác thực; sớm nghiên cứu, thí điểm tại một số đô thị loại 3 để triển khai đồng bộ ứng dụng VNeID trong quản lý xã hội và tạo tiện ích cho người dân.