Tăng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan CAND có nhiều điểm lợi
Việc sửa đổi, bổ sung lần này sẽ có tác động tích cực, trong đó, việc nâng hạn tuổi phục vụ của CBCS CAND sẽ góp phần giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung khi kinh phí CBCS CAND đóng vào BHXH tăng lên.
Chiều 27/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án luật, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành Luật CAND năm 2018; bảo đảm các yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu về nội dung này, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho biết, việc sửa đổi, bổ sung lần này sẽ có tác động tích cực, trong đó, việc nâng hạn tuổi phục vụ của CBCS CAND sẽ góp phần giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung khi kinh phí CBCS CAND đóng vào BHXH tăng lên.
Cũng nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, cũng như các mức tăng hạn tuổi như dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu vừa phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng CAND.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất nhưng vẫn tiếp tục áp dụng thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, dự kiến kinh phí thực hiện quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an sẽ nhỏ hơn so với kinh phí phải chi trả cho CBCS được tuyển dụng mới để thay thế, gồm: Lương cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới; lương hưu cho số cán bộ nghỉ hưu; chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán mới tuyển dụng. Do đó, nội dung này sẽ không làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, quy định như vậy sẽ tạo động lực cũng như trách nhiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; qua đó, thúc đẩy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nỗ lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nói về điều này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho rằng quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với CBCS, công nhân viên Công an là phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm thống nhất lộ trình tăng tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc tăng tuổi cũng tăng thời gian đóng BHXH để CBCS CAND đạt được mức lương hưu cao nhất theo quy định hiện hành, đồng thời giúp cân đối quỹ BHXH nói chung khi kinh phí đóng BHXH của CBCS CAND tăng lên.
Cùng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an có nhiều điểm lợi. Trong đó, tạo được sự đồng bộ, tương tích với Bộ luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ BHXH. Thêm vào đó, đại biểu cho rằng, số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao (từ thượng tá trở lên) khi được kéo dài tuổi sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó, tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng.
Liên quan đến ý kiến băn khoăn về tăng tuổi đối với nữ sĩ quan, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, hiện nay số lượng nữ trong lực lượng Công an chỉ chiếm hơn 10%. Cạnh đó, số cán bộ nữ chỉ làm công tác trong giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính còn làm việc nơi khác không có nhiều. “Trước đây tất cả cán bộ nữ đều về hưu ở tuổi 55 nhưng sau đó có thay đổi cho phép một số vị trí phó chủ tịch tỉnh, ủy viên Trung ương trở lên hay trong Công an nếu có quân hàm cấp Tướng sẽ ở tuổi 60. Trước khi có thay đổi này thì có rất nhiều bài báo, tiếng nói của phụ nữ là đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh. Họ phân tích trước tuổi 55 phải lo việc gia đình, rất nhiều thứ, đến lúc con cái lớn, rảnh hơn để lo công việc lại nghỉ hưu mất rồi” – đại biểu nêu.
Ngoài ra, đa số các đại biểu cũng nhất trí với đề xuất bổ sung 6 vị trí có quân hàm cấp Tướng; thăng quân hàm trước thời hạn đối với sĩ quan cấp Tướng và bổ sung quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.