Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ đề ra của Đề án 06
“Bộ Công an xác định vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân”- Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06/CP nhấn mạnh tại phiên họp thứ 2 của Tổ công tác Chính phủ.
Phiên họp thứ 2 về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giao đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) diễn ra sáng 17/2, tại Hà Nội.
Dự phiên họp có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác và các đồng chí là thành viên của Tổ công tác.
Một số nội dung vượt tiến độ đề ra
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với xã hội rất lớn. Hằng ngày, có hàng triệu lượt giao dịch trên cổng dịch vụ công cho thấy nhu cầu cần được xử lý giấy tờ trực tuyến, cắt giảm bớt thời gian đi lại của người dân hiện nay đang cấp thiết.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính bằng cách khai thác các tiện ích trong Cơ sở dữ liệu dân cư về quốc gia sẽ giảm việc phải tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, không những đem lại hiệu quả cho cả cơ quan Nhà nước lẫn người dân mà còn hạn chế được việc nảy sinh các vấn đề tiêu cực khi người dân phải trực tiếp gặp nhân viên, cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Lấy ví dụ việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội muốn xây dựng dữ liệu về trẻ em, Bộ Công an đã trao đổi về việc, trong cơ sở dữ liệu dân hiện đã có đầy đủ dữ liệu về trẻ em và được cập nhật hằng ngày. Đối với những trẻ em khi đã đủ 16 tuổi (hết tuổi trẻ em) hệ thống sẽ tự động loại bỏ và đối với số trẻ mới sinh sẽ được cập nhật. Thậm chí trong kho dữ liệu dân cư có thể thống kế mỗi xã, mỗi dân tộc có bao nhiêu trẻ em.
Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Đề án 06/CP, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, tại Hội nghị của Chính phủ ngày 18/1 đến nay, công tác chỉ đạo, triển khai Đề án tiếp tục được thực hiện quyết liệt, nên mặc dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài nhưng những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án cơ bản được bảo đảm đúng tiến độ, có một số điểm nổi bật là đã về hoàn thành xong 5 nội dung thuộc Đề án, đáng chú ý một số nội dung đã vượt tiến độ đề ra như đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm (lộ trình Đề án đưa ra vào tháng 3/2022). Trong quá trình chuẩn bị thực hiện Đề án, một số bộ, ban, ngành đã tích cực vào cuộc, chuẩn bị rất tốt các điều kiện, sau Hội nghị triển khai Đề án đã đẩy nhanh tiến độ, triển khai ngay; bước đầu thực hiện cung cấp một số dịch vụ công liên quan đến cư trú trên cổng dịch vụ công đã đạt được những kết quả vượt bậc so với trước khi triển khai Đề án. Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác công tác quản lý cư trú, tinh giản các giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ nhưng tăng cường tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm, triển khai đúng tiến độ. Đối với việc kết nối chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã giúp các Bộ, ngành làm sạch được cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xác thực thông tin công dân chính xác, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính của các bộ, ngành như đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nộp thuế, làm sạch thông tin tiêm chủng… Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành được kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toàn…
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là những bước tiến rất căn cơ và căn bản. Chúng ta nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nước đang đặt ra mục tiêu đến năm 2023, 2034 không phải thực hiện điều tra dân số nữa. Chúng ta đang đi nhanh theo với tiến độ chung. “Chúng tôi cảm ơn Bộ Công an cùng với Bộ Y tế trong kết nối xác thực lại dữ liệu tiêm chủng. Các bên đã phối hợp rất chặt chẽ, làm dữ liệu tiêm chủng rất chính xác”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay. Việc sử dụng CCCD thay cho thẻ Bảo hiểm y tế là điều rất mong muốn trong việc thanh toán trong y tế. Đây là cơ hội cho Bộ Y tế, đó cũng là mong muốn người dân đăng ký khám chữa bệnh online để người dân không phải chờ đợi dài, gây quá tải cục bộ khi đến dồn vào cùng một thời điểm.
Đại diện Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã chủ động đề xuất vào chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 kết nối Cơ sở dữ liệu trẻ em với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kế hoạch sớm. Kể từ ngày 4/1 các đơn vị của Bộ cùng với các đơn vị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Bộ Công an tổ chức trao đổi một số nội dung triển khai kết nối thống nhất nhất về phương án kỹ thuật, phục vụ kết nối chia sẻ và tiến hành thực hiện xác thực lại thông tin, chuẩn hóa dữ liệu và bổ sung xác định số định danh gần 20 triệu bản ghi dữ liệu trẻ em cùng việc bổ sung các thông tin liên quan đến lĩnh vực trẻ em vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với các đơn vị Bộ Công an kiểm tra đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin về hệ… Sau khi khắc phục vướng mắc sẽ kết nối chia sẻ hệ thống thông tin giữa Cơ sở dữ liệu trẻ em với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu phải luôn được đặt lên hàng đầu, không tạo lỗ hổng để các đối tượng tấn công vào những tài nguyên quý giá này. Vì vậy, trước khi thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thì phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt đảm bảo về độ an toàn thông tin, đường truyền. Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí triển khai Đề án phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh thất thoát và chống lãng phí. Đối với các văn bản pháp lý, cần tập trung hoàn thiện sớm, trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa dữ liệu dân cư và các dữ liệu chuyên ngành.
Bám sát lộ trình thực hiện Đề án
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong tháng 2 và tháng 3, Tổ công tác xác định 7 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, mặc dù kết quả bước đầu tích cực, nhưng nhiệm vụ của Đề án phía trước còn rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3 cũng như những nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2022. “Đây là thời gian rất quan trọng trong thực hiện Đề án, để tạo bước khởi đầu vững chắc, hoàn thành các mục tiêu năm đầu của Đề án và toàn bộ Đề án”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các đồng chí trong Tổ công tác bám sát lộ trình thực hiện Đề án để đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nội dung công việc theo đúng tiến độ đề ra.
Để thực hiện tốt một số công tác trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, các bộ, ngành thành viên Tổ công tác cần “nêu gương” trong xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo chức năng nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Riêng Bộ Công an, chúng tôi xác định vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân”.
Bộ trưởng đề nghị các thành viên trong Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án và Thành lập tổ công tác thực hiện Đề án theo chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đôn đốc việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo tiến độ.
Để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đã được đưa ra trong phiên thảo luận, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao để khẩn trương thực hiện với tinh thần cao nhất, đảm bảo theo tiến độ chung của Đề án.
Về chế độ thông tin, báo cáo và công tác kiểm tra, các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, hàng tuần, tháng, quý và năm; xây dựng xây dựng báo cáo tiến độ thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Giao Cơ quan Thường trực khẩn trương đề xuất kiểm tra và làm việc của Tổ công tác đối với các bộ, ngành, địa phương cụ thể để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện các nhiệm vụ Đề án theo đúng tiến độ.