Quốc hội thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi trong năm 2025
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Sáng 13/11, với 428 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước).
Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng; sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Quốc hội quyết nghị tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỷ đồng, tương đương 3,6%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP; Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng.
Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam là 2.115 triệu đồng chi sự nghiệp quản lý hành chính; Bộ Giao thông vận tải là 567 triệu đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; UBND tỉnh Quảng Bình là 18.602 triệu đồng chi sự nghiệp kinh tế.
Đồng thời, điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài năm 2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như sau: giảm 54.004 triệu đồng chi sự nghiệp kinh tế; tăng 40.513 triệu đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; tăng 12.740 triệu đồng, chi sự nghiệp bảo đảm xã hội; tăng 751 triệu đồng, chi sự nghiệp khoa học công nghệ.
Quốc hội cũng quyết nghị điều chỉnh tăng 360.245 triệu đồng vốn vay lại nước ngoài năm 2024 cho 7 địa phương; đồng thời điều chỉnh giảm 406.035 triệu đồng dự toán vốn vay lại nước ngoài năm 2024 của 12 địa phương.
Bổ sung dự toán thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Bộ Công thương tổ chức thu là 118.591 triệu đồng, trong đó: số nộp ngân sách trung ương năm 2024 là 75.341 triệu đồng; số thu phí để lại cho Bộ Công thương là 43.250 triệu đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Quốc hội cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Quốc hội cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Quốc hội cũng cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Địa phương cần cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.