Hiến kế để đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng

Thứ Hai, 10/10/2022, 08:07

Thời gian qua, nhiều đặc sản vùng đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đối với sản phẩm ở vùng núi, hải đảo thì số lượng sản phẩm xây dựng được thương hiệu, đưa vào hệ thống phân phối hay bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn khá khiêm tốn.

Vậy, cách nào để khai thác hiệu quả những giá trị đặc sản vùng núi, biển đảo đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế?

1.jpg -0
Đẩy mạnh liên kết chuỗi trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Cần phát triển và đầu tư vào sự khác biệt

Chia sẻ tại “Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022” mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia hiến kế để lan toả thương hiệu đặc sản địa phương trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AUTOAGRI cho rằng, để đặc sản Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì trước hết cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, đối với nông sản, khu vực miền núi có rất nhiều nông sản hàng hóa mà ở các thị trường lớn rất thích. Tỉnh Điện Biên có sản phẩm gạo của Điện Biên khá nổi tiếng ở thị trường trong nước; dưa của đồng bào mà ở địa phương gọi là “dưa mèo” khi đưa về thị trường thì cũng được tiếp nhận rất tích cực; hay các sản phẩm nông sản như bí xanh, lạc, cà phê, chè,… Tuy nhiên, khi các DN cung ứng đặt vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với khối lượng ổn định hàng tháng lên tới vài chục tấn thì thường không có, không thể đáp được. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì vẫn sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, khi nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao.

Ông Phạm Đức Toàn cũng bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất sẽ đến Điện Biên để tìm hiểu cơ hội, giúp người dân làm thế nào sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Điện Biên hiện có 44 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt chuẩn 3 đến 4 sao, vậy làm thế nào để đưa những sản phẩm lợi thế của Điện Biên vào hệ thống phân phối và xuất khẩu. Qua đó, để những người dân khó khăn ở Điện Biên cũng như ở các tỉnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, xóa đói giảm nghèo tự thân cho chính đồng bào nhân dân các dân tộc.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng cho biết, cho đến thời điểm này, Central Retail đã thực hiện 7 dự án sinh kế cộng đồng, ở miền Bắc là Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn; miền Trung là Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột và Bình Định. Những sản phẩm của dự án đã mang lại một điểm khác biệt trong hệ thống của đại siêu thị và siêu thị. Theo đó, các sản phẩm bí của Bắc Kạn, rau Sa Pa (Lào Cai), rau ở Vân Hồ (Sơn La) đã là những sản phẩm trong hệ thống từ năm 2017 đến nay.

Các sản phẩm của Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang… đến thời điểm này được thị trường tiếp nhận, có sức bật tốt và sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên. Qua đó, đã giúp cho đời sống của các hộ nông dân, hộ kinh doanh cá thể cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện hơn rất nhiều. Đơn cử, như trường hợp của anh Vàng A Sa ở Vân Hồ, đến nay đã trở thành một nhà sản xuất rất lớn, ngoài cung cấp cho Big C, đến nay anh đã có thể cung cấp hàng hóa thương mại cho các chuỗi và hệ thống khác.

Số hoá để đưa sản phẩm đi xa hơn

Chia sẻ về việc gia tăng giá trị cho sản phẩm từ dừa, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết, năm 2019 thì không có người dân Việt Nam nào biết mật hoa dừa là gì. Chúng tôi xây dựng cả một nhà máy, nhưng phải cầm chai sản phẩm đi bán. Tuy nhiên, nhờ vào nhu cầu thị trường, và đón dòng xu hướng người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm chất ngọt giống như mật hoa dừa ngọt tự nhiên để thay chế độ đường tinh luyện nên các sản phẩm của công ty đã được thị trường tiếp nhận.

Sokfarm cũng đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ liên kết được ít nhất 1000 nông hộ trở lên, tạo được việc làm cho hơn 300 dân làng nhờ vào nhà máy sản xuất mật hoa dừa tại Trà Vinh. Tất cả sản phẩm của Sokfarm hiện tại có 6 sản phẩm từ mật hoa dừa, trong đó có sản phẩm chính là nước uống mật hoa dừa và mật hoa dừa cô đặc đã xuất khẩu đi Nhật.

Để đưa sản phẩm đi nhanh và xa hơn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, DN nên tận dụng xu hướng phát triển của TMĐT. Nhưng để bán được hàng thì quan trọng nhất là khâu hoàn thiện và đóng gói sản phẩm tùy theo điều kiện. Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và đầu tư công nghệ bảo quản chế biến sản phẩm. “Công nghệ thông tin là một công cụ, phương tiện giúp chúng ta kết nối giữa người mua - người bán và có thể giúp bảo vệ ngay những người sản xuất ở vùng đó tránh việc bị làm giả hàng hóa”,

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, TMĐT là “sân chơi bình đẳng”, mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả mọi người. Ngành này hiện không chỉ là lãnh địa dành cho các “ông lớn” mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm nội địa vươn tầm thế giới.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương...

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đã kết nối được hơn 60 DN với trên 80 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo. Hiện nay sản phẩm tỏi Lý Sơn cũng như sản phẩm thuỷ sản, hải sản của Côn Đảo đã đến được các hệ thống phân phối lớn cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch.

Lưu Hiệp
.
.
.