Quản lý khan hiếm nước - hướng tới nâng cao an ninh nguồn nước

Thứ Sáu, 04/11/2022, 08:04

Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo "Quy hoạch lưu vực sông - Quản lý sự khan hiếm và tránh mất cân bằng tài nguyên nước".

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Chính phủ Australia đã có nhiều hỗ trợ đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực được coi là thế mạnh của Australia.

Quản lý khan hiếm nước - hướng tới nâng cao an ninh nguồn nước -0
Năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa: CTV.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Australia là một quốc gia được coi là khan hiếm nước, lượng mưa trung bình chỉ khoảng 420mm/năm. Tuy nhiên, Australia cũng là nước có chỉ số an ninh nguồn nước cao nhất thế giới. Chính vì vậy, những hợp tác liên quan tới quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý  khan hiếm nước, xây dựng khung an ninh nguồn nước hướng tới nâng cao an ninh nguồn nước cho Việt Nam là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Việt Nam - Australia theo định hướng của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội thảo là cơ hội tốt để hai bên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến quản trị nước, điều hòa phân bổ nguồn nước, quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước cũng như thảo luận những định hướng tiếp theo giữa hai bên.

Tổng hợp các kiến thức về Quy hoạch lưu vực sông, nhất là xây dựng và thí điểm Khung thực hiện và đánh giá dòng chảy môi trường ở Việt Nam, ông Greg Holland, chuyên gia Công ty RMCG, Australia cho rằng, dòng chảy môi trường mô tả số lượng, thời gian và chất lượng của các dòng nước cần thiết để duy trì các hệ sinh thái nước ngọt và cửa sông cũng như sinh kế và phúc lợi của con người phụ thuộc vào các hệ sinh thái này.

Quản lý khan hiếm nước - hướng tới nâng cao an ninh nguồn nước -0

Việt Nam đang xây dựng Khung đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường như: Xây dựng và thí điểm Khung phù hợp với Thông tư hiện hành về yêu cầu dòng chảy tối thiểu; khung nêu rõ các liên kết đến các quá trình Quy hoạch lưu vực sông; hỗ trợ kỹ thuật từ phía Australia….

Trong đó, Khung dự thảo dành cho Việt Nam liên kết với Quy hoạch lưu vực sông gồm: Chính sách Quy hoạch lưu vực sông cần phải phù hợp với quá trình Quy hoạch lưu vực. Quy hoạch lưu vực sông có thể đánh giá dòng chảy môi trường; sử dụng Quá trình lập Quy hoạch lưu vực sông để tham vấn và đánh giá sự cân bằng trước khi ra quyết định về giá trị dòng chảy môi trường; Quy hoạch lưu vực sông có thể được sử dụng để hợp thức hóa các biện pháp thực hiện đánh giá dòng chảy môi trường, cũng như trách nhiệm trong việc giám sát và tuân thủ.

Bàn về xây dựng khung phân bổ nước trong công trình thủy lợi, nghiên cứu điển hình đối với hệ thống thủy lợi Đu Đủ, Tân Thành - Bình Thuận, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh - Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên tắc, công cụ tính toán phân bổ nước trong các hệ thống thủy lợi trong điều kiện hạn hán gồm: Xây dựng khung phân bổ nguồn nước trong công trình, phục vụ các công ty thủy nông; xác định được các nguyên tắc phân bổ dựa trên các quy định của Luật; xây dựng công cụ phần mềm tính toán: nền tảng excel thuận tiện cho việc sử dụng; điều kiện áp dụng nhân rộng và lộ trình triển khai: các hệ thống thủy lợi tưới bằng các hồ chứa.

Trong đó, điều kiện để áp dụng, nhân rộng khung phân bổ nước trong công trình thủy lợi phải là các công trình có dung tích có thể điều tiết được. Đồng thời, có nhiều hơn 1 đối tượng sử dụng nước từ công trình, hệ thống; đã từng xảy ra hoặc có nguy cơ cao về hạn hán thiếu nước; có hệ thống giám sát về nguồn nước, sử dụng nước, có thông tin dữ liệu cơ bản đủ dài để phục vụ tính toán (10 năm trở lên); có các hệ thống vận hành điều tiết cấp nước có thể điều khiển.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị đẩy nhanh các đề án giám sát nguồn nước; làm rõ quy trình thực hiện việc chuyển nhượng quyền khai thác sử dụng nước; triển khai áp dụng việc lập kế hoạch phân bổ nước trong công trình thủy lợi phục vụ quản lý hạn hán thiếu nước. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo thuận một số vấn đề như: Phương pháp tiếp cận về chia sẻ tài nguyên nước của Australia trong thời kỳ khan hiếm nguồn nước có thể được áp dụng để thiết lập các quy tắc lưu vực sông ở Việt Nam; xây dựng các phương án thí điểm trong phân bổ tài nguyên nước, quyền lợi đối với tài nguyên nước, trữ lượng tiêu thụ tài nguyên của các lưu vực sông ở Việt Nam.

Diệu Thúy
.
.
.