Lấp sông Đồng Nai là vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước

Thứ Tư, 25/03/2015, 07:35
Trước quan ngại của dư luận về việc tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty Toàn Thịnh Phát lấp hơn 7ha sông Đồng Nai, để phát triển khu đô thị ven sông, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban sông Mê Kông, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, để hiểu rõ hơn những tác động tiêu cực từ dự án.

PV: Theo ông, dự án lấp hơn 7ha sông Đồng Nai sẽ tạo ra những tác động tiêu cực gì?

TS Đào Trọng Tứ: Đồng Nai nói dự án chỉ lấn ra sông mấy chục mét, tác động không đáng kể. Đó chỉ là mặt vật lí. Còn về mặt khoa học, khi xây dựng công trình trên sông cần xem xét toàn diện bởi sẽ gây xói lở cho các khu vực khác, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến sinh kế người dân.

Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 tại Việt Nam, có lưu vực trải dài trên 11 tỉnh chứ không phải sở hữu riêng của tỉnh Đồng Nai. Nếu việc lấp sông được thực hiện sẽ tạo ra hiệu ứng domino dây chuyền. Đồng Nai làm được thì các địa phương khác cũng làm được. Như thế tổng thể quy hoạch sông sẽ bị phá vỡ. Bản thân người dân Đồng Nai có khi cũng không lường hết được những tác động tiêu cực của dự án. Điều quan trọng nhất là việc lấp sông sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước.

PV: Ý ông là Đồng Nai đang làm trái luật?
TS Đào Trọng Tứ.

TS Đào Trọng Tứ: Đúng vậy. Chúng ta phải nhìn vào hệ thống pháp luật của chúng ta. Khi đụng đến mặt nước thì phải căn cứ vào Luật Tài nguyên nước. Luật có cho phép lấp sông không? Nếu không được thì tuyệt đối không được làm. Luật Tài nguyên nước đã nghiêm cấm việc xây dựng công trình trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông cũng như việc xây dựng các công trình trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Trong trường hợp này, tôi không trách chủ đầu tư. Doanh nghiệp luôn phải tính tới lợi nhuận. Việc xây dựng khu đô thị trên sông sẽ không phải trả tiền mua đất, chỉ mất tiền san lấp. Tôi chỉ trách chính quyền tỉnh Đồng Nai khi giao đất đã không tính đến vấn đề pháp luật. Khi nhà đầu tư đưa ra phương án, tỉnh phải cân nhắc xem dự án ấy có đụng đến pháp luật không, có ảnh hưởng môi trường, sinh kế không. Không thể nói “việc lấp sông không dùng nguồn tiền ngân sách, tỉnh lại được mấy hecta công viên, vườn hoa”. Lập luận như thế là rất dở. Trước đây nhờ có Đồng Nai mà câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã dừng lại. Nay Đồng Nai lại đụng đến vấn đề pháp luật. Tôi thấy rất tiếc.

PV: Ông có nghĩ là, trong câu chuyện lấp sông làm khu đô thị, vai trò của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai rất mờ nhạt?

TS Đào Trọng Tứ: Hiện Ủy ban này đang do TP Hồ Chí Minh giữ vai trò Chủ tịch luân phiên. Nhưng Ủy ban này nói không biết việc lấp sông, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng không biết. Ngoài Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông còn có Ban Quản lí bảo vệ lưu vực sông nằm trong Bộ Nông nghiệp. Hai Ủy ban này phải chịu trách nhiệm tham vấn thế nhưng trên thực tế không phát huy vai trò gì.

Sau 6 tháng thực hiện dự án, hiện diện tích sông được lấp gần đạt 90% theo thiết kế.

PV: Thế còn tiếng nói của Bộ Tài nguyên - Môi trường?

TS Đào Trọng Tứ: Tiếng nói Bộ này cũng rất mờ nhạt. Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Vậy mà ông Tuyến cũng nói không biết việc lấp sông cho tới khi báo chí phản ánh. Nếu Đồng Nai tự làm, không hỏi ý kiến Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông thì Ủy ban có thể không biết. Nay biết rồi thì phải vào cuộc nhưng tôi cũng không thấy họ lên tiếng gì.

PV: Trong trường hợp Đồng Nai vẫn quyết làm dự án thì theo ông cần có biện pháp gì để giảm thiểu tác động tiêu cực?

TS Đào Trọng Tứ: Nếu Đồng Nai đã làm thì không có cách nào giảm thiểu. Khi chưa làm thì đừng làm, nếu đã làm một phần rồi thì dừng lại. Tôi nhắc lại, nếu Đồng Nai quyết làm dự án này sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm.

PV: Xin cảm ơn ông. 

GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi,  Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam: Tỉnh Đồng Nai không có quyền cho san lấp dòng sông

San lấp sông sẽ ảnh hưởng đến hạ du, làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở. Chưa kể, nếu lấp sông để xây dựng khu đô thị, khi dự án hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ có lượng chất thải không nhỏ xả xuống dòng sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Tỉnh Đồng Nai được quyết định nhiều vấn đề trong phạm vi của tỉnh nhưng đụng đến dòng sông là đụng đến cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh Đồng Nai phải tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trong phạm vi lưu vực, đồng thời phải xin phép Bộ Tài nguyên – Môi trường. Nếu đạt được sự đồng thuận mới được phép triển khai dự án. 

Dừng ngay việc lấp sông để tham vấn ý kiến nhiều chiều

Theo Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), sông Đồng Nai đang phải chịu những mất mát không thể hoán đổi từ việc phát triển thủy điện cũng như các khu công nghiệp và đô thị ven sông. Việc để Công ty Toàn Thịnh Phát tiếp tục triển khai dự án sẽ một lần nữa đẩy sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái cũng như sự phát triển bền vững của cả lưu vực.

Dự án thực chất là công trình lấn sông khi tổng diện tích dự án là 8,4ha thì đã chiếm 7,72ha đất ngập nước ven sông và mặt nước sông. VRN kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát để nghiên cứu một cách thấu đáo các tác động cũng như tham vấn ý kiến rộng rãi của các bên liên quan. 

Phản hồi của tỉnh Đồng Nai: “Lấp sông không ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy”?!

Sau nhiều ngày im lặng trước việc san lấp, thu hẹp dòng chảy trên đoạn dài 1,3km sông Đồng Nai để làm dự án, chiều 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức lên tiếng về “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”.

Một đoạn sông bị lấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí, quy hoạch chi tiết 1/500 đối với địa bàn phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ tháng 12/1997. Quá trình triển khai quy hoạch, tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án một số đoạn bờ kè và công viên ven sông tại khu vực này. Tuy nhiên, chỉ với 2 dự án thành phần đã phải giải tỏa 120 hộ dân với chi phí bồi thường chiếm 67% tổng chi phí. Do đó các dự án này chưa được thực hiện do khó khăn về ngân sách và gây xáo trộn đến đời sống người dân. Toàn bộ đoạn bờ sông từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến sông Đồng Nai đều là công trình và nhà dân, người dân không được tiếp cận, thụ hưởng môi trường cảnh quan ven sông.

Kết quả nghiên cứu sông Đồng Nai của địa phương cho thấy, đoạn phía thượng nguồn thuộc phường Bửu Long, mặt sông rộng 210m, mở rộng dần về phía hạ du. Đoạn rộng nhất lòng sông lấn sâu vào phía bờ ở phường Quyết Thắng, rộng tới 800m tại khu vực Công ty cấp nước Đồng Nai, sau đó sông chia 2 nhánh; nhánh nhỏ là sông Cái bao quanh cù lao Hiệp Hòa có chiều rộng lòng sông khoảng 110m; nhánh chính chảy về hạ du có chiều rộng 235m tại khu vực cầu Ghềnh.

Với đặc điểm này, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Trí là có thể nghiên cứu xây dựng bờ kè lấn sông ở đoạn lòng sông lấn sâu vào bờ đoạn từ trụ sở Sở GD – ĐT đến đình Phước Lư. Tháng 1/2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để tiến hành khảo sát, đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu xây kè lấn sông nêu trên.

Kết quả khảo sát, đánh giá được Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra tháng 12/2008 cho thấy việc chỉnh trị bờ trái sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An tới cầu Ghềnh theo các phương án trên không ảnh hưởng đến vùng dự án và khu vực lân cận. Việc xây dựng các công trình lấn sông theo các phương án 50m, 75m, 100m ở đoạn này đều không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực dòng chảy; không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận.

Bên cạnh việc xem xét của các sở, ngành về kết quả này, tỉnh Đồng Nai cũng đã mời Viện Thủy lợi và Môi trường – Trường Đại học Thủy lợi cùng thẩm tra và đã thống nhất kết quả trên. Từ căn cứ này, tháng 12/2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt báo cáo đánh giá dòng chảy, trong đó kết luận: Việc xây dựng công trình lấn sông trên đoạn này với các phương án 50m, 75m và 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực dòng chảy của đoạn sông; không gây ảnh hưởng xấu tới dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận. 

Về chủ dự án là Công ty Toàn Thịnh Phát, căn cứ quy hoạch được duyệt tại phường Quyết Thắng, từ tháng 3/2011, DN này đã có văn bản đề nghị được đầu tư vào khu vực này. Sau khi được các sở, ngành chức năng thẩm tra, đánh giá theo trình tự thủ tục và trình UBND tỉnh, tập thể thường trực UBND tỉnh đã họp và thống nhất, có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 8/2011.

Ngày 8/9/2011, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có văn bản phản hồi, trong đó thống nhất chủ trương giao dự án cho DN này làm chủ đầu tư. Đồng thời Tỉnh ủy yêu cầu nghiên cứu, cải tạo khu vực đồng bộ cho phù hợp, tạo không gian hiện đại cho đoạn bờ sông này cũng như tính toán kết nối không gian với các phường ven sông khác. Từ căn cứ này, tháng 11/2011, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát được tiến hành đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí, trong quá trình triển khai quy hoạch, tháng 12/2011 phường Quyết Thắng cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân về thực hiện quy hoạch. Các cuộc họp này người dân đều thống nhất đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, chỉ đề nghị quan tâm đến người dân có đất trong quy hoạch. Tổng diện tích quy hoạch cho khu vực này rộng hơn 15ha, trong đó khu vực hiện hữu gần 4,8 ha và khu vực đầu tư mới hơn 10,2 ha và diện tích các công trình xây dựng chỉ chiếm 15%; diện tích cây xanh 18%; diện tích đường nội bộ và đậu xe 21% còn lại hơn 45% là đất giao thông công cộng.

Trong quá trình chấp thuận đầu tư, tỉnh Đồng Nai cũng đã thỏa thuận với Cục Đường thủy nội địa và tiến hành một loạt công đoạn khác. Trong đó theo ông Trí, vị trí đầu bơm cấp nước cho TP Hồ Chí Minh nằm cách dự án hơn 1km về thượng nguồn, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi dự án.

Đ.Thắng

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.