Phải cố gắng giúp bà con có cái Tết thật đầm ấm
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với toàn ngành lao động, thương binh và xã hội và các địa phương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 chiều 12/1 tại Hà Nội. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương cả nước.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021, cả nước phải đối mặt với những thách thức, khó khăn rất lớn của đại dịch COVID-19, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.
Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ngành lao động, thương binh và xã hội đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế…nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
"Đặc biệt, trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu để triển khai 2 nghị quyết là Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động và 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Các chính sách triển khai với nguồn lực chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn", Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thành quả không chỉ trong phòng chống dịch mà còn lo an sinh cho hàng chục triệu người dân thời gian qua có đóng góp rất lớn của ngành lao động, thương binh và xã hội. Trong năm 2022, ngành cần tập trung để đẩy mạnh một số lĩnh vực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết được ngay như: Lĩnh vực người có công; lĩnh vực giảm nghèo; khắc phục những khó khăn của thị trường lao động do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã; cùng với đó là tập trung chuyển đối số trong mọi lĩnh vực của ngành.
“Nhiều lĩnh vực là những vấn đề lớn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã rất tích cực nên còn nhiều khó khăn. Tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tốt với các bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc… để triển khai tốt. Đặc biệt vấn đề trước mắt sắp tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các địa phương cần quan tâm, nỗ lực để người dân nào cũng có một cái Tết an toàn, đầm ấm. Ngoài đối tượng người có công, người nghèo, còn có cả những người bị ảnh hưởng khó khăn vì dịch. Ngoài hỗ trợ vật chất, còn phải có sự thăm hỏi động viên tinh thần, bởi tâm lý người dân vừa trải qua giai đoạn căng thằng của dịch bệnh nên bị ảnh hưởng rất nặng nề, để lại những di chứng, nếu làm tốt thì di chứng nhanh hết, không thì rất lâu dài. Chúng ta phải cố gắng giúp bà con có cái
Tết thật đầm ấm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.