Ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Thứ Năm, 08/12/2022, 09:02

Sáng 7/12, tại phiên khai mạc HĐND TP Hà Nội kỳ họp thứ 10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin, năm 2022, TP tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn TP.

Hà Nội kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ các tồn tại, yếu kém. Cụ thể, việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội; tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao.

Về nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, theo dự báo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thị trường bất động sản, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô. Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực… tác động trực tiếp đến đất nước và Thủ đô.

z394003501109007ad796ca99b0cf537634abf610a3032-1670381415369971103171.jpg -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Trước những khó khăn trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của TP, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn: Chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội cũng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp thứ 10 sẽ xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022; Kế hoạch năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. HĐND TP sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Kế hoạch tài chính, ngân sách; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ ngân sách; Kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai…

Về nội dung chất vấn, ông Tuấn cho biết, HĐND TPsẽ chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND TP và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 của HĐND TP. HĐND TP cũng chất vấn về 2 nhóm vấn đề gồm: Công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn Hà Nội.

Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội

Cũng trong ngày 7/12, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 8 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố trong năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, năm 2022 TP Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả tích cực. Thành phố ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn 30%, tổng doanh thu du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171 so với năm ngoái. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm nay cũng đạt khoảng 457.500 tỷ đồng, bằng hơn 118% dự toán và tăng 17% so với năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 tăng trên 9%. Dù còn khó khăn, nhưng năm nay đã có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục đạt kết quả tốt… Dự báo năm 2023 Thành phố sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Các dự án công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cũng nhận định, kinh tế - xã hội Thành phố sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế Thành phố có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế. Thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm. Cùng lúc tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó dự đoán hơn. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Đồng thời tập trung giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Với 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra cho năm 2023, bà Thắng cho biết TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao và tập trung cho phát triển thị trường.

Tại kỳ họp này, UBND Thành phố đã trình lên HĐND thành phố 28 tờ trình. Trong đó đáng chú ý có tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn với mức tăng thêm 1.0 so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022.

Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho biết, những năm qua Thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số tính giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Nhưng từ cuối năm 2019 do dịch bệnh gây ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn nên hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn đã được giữ nguyên 3 năm qua. Do vậy, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn Thành phố thêm 1.0 so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 là cần thiết để tiếp tục từng bước giá đất được xác định tiệm cận giá thị trường.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, qua ý kiến cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; Triển khai các chính sách an sinh xã hội để ổn định đời sống nhân dân và có giải pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường; Tập trung thực hiện dự án đường Vành đai 3, tuyến Metro số 1 và các công trình giao thông kết nối Thành phố với vùng kinh tế phía Nam.

Theo bà Yến, nhiều người dân Thành phố cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng Đề án sắp xếp khu phố - ấp và không còn tổ nhân dân - tổ dân phố. Người dân cũng mong muốn Trung ương và TP Hồ Chí Minh tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập trong cung ứng vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

N.Y - Đ.Thắng
.
.
.